Thứ Sáu, 15 tháng 9, 2023

Chương 229 - Đệ Nhất Hầu

 229. Nơi hiệp nghĩa, nơi bình yên.

Con kiến giữa đại địa mênh mông này thực sự quá nhỏ yếu, một cơn gió, một trận mưa hay một bàn chân dẫm lên cũng có thể hủy hại gia viên và cả tánh mạng của chúng, nhưng với số lượng nhiều thì không thể khinh thường.

Con đường lớn phía trước tấp nập người qua lại, thật giống như từng đàn từng đàn kiến di chuyển, thành trì ở nơi xa thì giống như tổ kiến. Hạng Nam cảm thấy dường như đã rất lâu rồi mình chưa gặp 'tổ kiến' như này, cũng chưa nhìn thấy nhiều người qua lại như vậy. 

Thực ra, thời gian cũng chưa được bao lâu từ khi An Khang Sơn phản loạn, tiên đế băng hà, thiên hạ đại loạn còn chưa tới một năm. Nơi đã từng là thịnh thế, yên ổn giờ phảng phất như đã cách một thế hệ.

Rất nhiều người không thể nhớ nổi những ngày tháng trước đây như thế nào, nhưng mà từ khi đi qua Dĩnh Trần tiến vào Hoài Nam đạo, đặc biệt là khi càng tới gần phủ Quang Châu thì cảnh tượng nơi đây càng gợi lên ký ức.

Trên đường, người đi lại liên miên không ngừng, có người nghèo khổ cũng có người phú quý, có ngựa xe cũng có người đi bộ, nhưng khác với những nơi khác, bước chân của những người này vững vàng hơn nhiều, biểu tình cũng không hề hoảng sợ, không hốt hoảng nhìn ngó khắp nơi, hay trong ánh mắt có sự sợ hãi, mịt mờ.

Thôn xóm lác đác ven đường có tiếng gà gáy và khói bếp bay lên, khi Trần Nhị vào trong thôn xin chút nước uống còn bị chó cắn một miếng.

Chó cậy thế chủ, loạn thế đến người còn hoảng loạn nói gì đến chó càng phải cụp đuôi.

"Ngoài đồng có người đang làm việc." Trần Nhị duỗi tay chỉ về phía xa. "Đang mùa đông mà, có phải ngày mùa gì đâu?"

Hạng Nam không phải loại quý công tử, tay chân vụng về, không phân biệt được ngũ cốc. Hắn nhìn về đồng ruộng nơi xa, nói: "Bọn họ đang khai hoang, rẫy cỏ, trữ phân bón, như vậy đầu xuân đồng ruộng sẽ rất phì nhiêu."

Nông dân đã nghĩ đến việc trồng trọt đầu xuân và thu hoạch vụ mùa cho năm sau, có thể thấy được họ đều cảm thấy an tâm.

Chợt tiếng roi vang dội cùng tiếng vó ngựa truyền đến, sau khi vào Hoài Nam đạo hai họ đã quá quen thuộc, lập tức kéo ngựa né tránh vào ven đường, một đội binh mã nhanh chóng lướt qua, người đi đường cũng đều tránh đi.

Nhóm binh mã này mặc áo giáp sáng ngời, mang theo đao thương kiếm kích trên người, hình dung uy nghiêm, cả người tản ra mùi máu tươi. Hiện giờ, dù là binh mã ở bụng Trung Nguyên cũng đã nhìn thấy máu tươi, cũng đã từng giết người.

Chẳng qua nơi đây khác với những nơi khác, người qua đường vội vàng né tránh nhưng biểu tình không hề có chút hoảng sợ nào, phần lớn là phớt lờ như thường lệ, có vài người thì lại cảm thấy hứng thú suy đoán về toán binh mã này.

"Đây là Chấn Võ quân hay là quân lính phủ Quang Châu nhỉ?"

"Hình như không phải, ta thấy hình như là Phong Uy quân."

Bọn họ còn nhàn hạ nghị luận, đúng là cuộc sống ở đây trôi qua thật tốt. Hạng Nam cảm thán, có mùi thơm thoang thoảng truyền đến, hắn còn chưa kịp tìm kiếm nguồn cơn thì Trần Nhị đã vui vẻ buông dây cương ra.

"Lại có cháo nóng ăn rồi." Trần Nhị nói, vừa xoa xoa bàn tay cứng cong vì gió lạnh, vừa vội bước.

Khi Hạng Nam chậm rì rì bước đến gần thì người kia đã lấy được hai ống trúc đựng đầy cháo nóng.

Thực ra, cháo này được nấu trong một chiếc nồi to, nhưng mọi người vẫn gọi là lu cháo, chỉ có lu cháo của Võ thiếu phu nhân mới có thể gọi là lu cháo. Ở vài thành trì khác cũng có không ít nhà quyền quý hay phú hào phát cháo để hướng ứng theo Võ thiếu phu nhân, nhưng đó không gọi là lu cháo. Có rất nhiều người tình nguyện, chịu đựng đi thêm một đoạn đường nữa để ăn được cháo của Võ thiếu phu nhân .... Trần Nhị nghe vậy chỉ cảm thấy không còn gì để nói, cuộc sống của người nơi đây quả thật quá tốt, bị dung túng thành tật xấu mất rồi.

"Võ thiếu phu nhân là thần tiên, uống được chào của nàng sẽ bình an vô sự." Hai phụ nhân múc cháo lớn tiếng nói.

Lời này chỉ có phàm phu ngu phụ mới tin thôi, Trần Nhị đưa ống trúc cho Hạng Nam, hai người ngồi xuống tảng đá ven đường, uống cháo nghỉ tạm.

Cháo trộn với rau khô, hương vị thật ngọt ngào, chắc bụng hơn canh trà, thơm ngọt hơn nước trà, uống xong một uống trúc cả người ấm dào dạt, tràn ngập sức lực.

"Cháo có cho muối, ăn vào sẽ có sức lực." Hạng Nam nhìn ống trúc, nói.

Chỉ là ống trúc đơn sơ hơn nữa còn dùng đi dùng lại, nhưng bên cạnh lu cháo có bắc một nồi nước sôi, ống trúc đã được sử dụng sẽ được nhóm phụ nhân rửa sạch rồi ngâm trong nồi nước sôi, nóng hầm hập còn tản ra hương vị khiến người thoải mái.

Đến ăn cháo đa số là lưu dân hoặc người tha hương, khi Hạng Nam quan sát ống trúc thì những người kia lại quan sát về phía Hạng Nam.

Công tử đẹp trai này dùng ống trúc uống cháo mà mỹ cảm lại đẹp như đang uống rượu.

"Mấy người từ đâu tới vậy?" Phụ nhân phụ trách múc cháo tò mỏi hỏi.

Bà không riêng chỉ hỏi Hạng Nam và Trần Nhị, mà ai đến uống cháo bà cũng cười hỏi, phụ nữ mà thích nói chuyện tào lao, đặc biệt là làm những việc nhàm chán lặp đi lặp lại như nấu cháo, rửa dọn, nhóm lửa.

Tâm lý của hầu hết mọi người là đã uống cháo của người ta sẽ cảm thấy khá thân cận với đối phương, cho nên cũng sẽ ngồi tán gẫu một chút trong lúc nghỉ ngơi.

Trần Nhị thuần thục tùy ý nói ra một địa danh, phụ nhân hoàn toàn không hỏi sâu, có thể là bọn họ chỉ cần có người để nói chuyện cùng mà thôi, còn đúng sai gì thì cũng không quá để ý, bà tiếp tục dò hỏi là hai người họ tới buôn bán hay là đến nương nhờ họ hàng.

"Nơi này còn có thể buôn bán à? Thế đạo này còn có thể mua bán gì?" Hạng Nam cười nói.

"Đương nhiên có thể." Phụ nhân cũng cười, duỗi tay chỉ về phía trước. "Có thể làm buôn bán ở Hoài Nam đạo chúng ta, nếu ngươi trả tiền còn có khả năng mời binh mã đến hộ tống nữa."

Kẻ có thể cười đạm nhiên khi chứng kiến hết thảy trên dọc đường này như Hạng Nam nghe vậy lại có chút kinh ngạc, hiện giờ thương nhân còn có thể thuê binh mã để bảo vệ khi làm buôn bán ư?

Võ thiếu phu nhân này điên rồi à?

Hắn lại càng thêm tò mò muốn đến phủ Quang Châu, sau khi uống hết ống cháo rau hắn lên ngựa cùng Trần Nhị xuất phát, đám người uống cháo cũng dần đi, mà 3 phụ nhân nấu cháo, nhóm lửa, rửa dọn cũng hết thời gian làm việc hôm nay, ba người khác trong thôn cười cười nói nói bước đến, hai bên chào hỏi nhau rồi ba người hết ca đi về.

Hai người khác lập tức về nhà, còn phụ nhân nấu cháo đi tới nhà lý chính, lí chính trong thôn tuổi đã cao, khi xảy ra phản loạn cũng từng dẫn theo người nhà trốn chạy, nhưng không được bao lâu đã nằm liệt trên đường không chạy nữa, ông nói tình nguyện chết trong tay phản quân cũng không muốn lang bạt kỳ hồ (nghĩa gốc là: con sói dẫm lên cái yếm của chính nó - ý chỉ: lang thang, phiêu bạt nay đây mai đó).

Lúc này, lão nhân tình nguyện chết cũng không muốn chịu khổ này đang híp mắt cầm bút viết viết vẽ vẽ gì đó, thỉnh thoảng lại ngáp một cái, mà khay đồ ăn có một chén cháo, một đĩa đồ chay và bánh hấp đặt trên bàn đã nguội ngắt từ lâu.

"Thúc tổ." Phụ nhân la lớn, cũng mặc kệ ông lão này có bận gì hay không. "Trong ca trực của ta có 10 người qua đường ăn cháo, đều là người xứ khác...."

Lí chính vội xua tay: "Từ từ, nói chậm một chút, nói chậm một chút."

Ông nhanh chóng thu dọn chỗ giấy trên tay, rồi lấy ra một quyển sổ, một lần nữa lật lật vài tờ, viết ngày tháng sau đó mới nói: "Rồi, nói đi."

Phụ nhân bắt đầu nói về lai lịch, tuổi tác mà mình dò hỏi được khi tán gẫu với mỗi người tới uống cháo. Lí chính cũng không dò hỏi xem lời tự báo gia môn kia là thật hay giả mà chỉ ghi chép vào sổ, quan phủ đã dặn dò phải thống kê dân cư đi vào phủ Quang Châu để tùy thời nắm giữ được số lượng đồ ăn xem có sung túc hay không.

Phụ nhân nói xong thì đi về, còn lí chính tiếp tục xem xét sửa sang lại.

"Ông này, sao còn chưa ăn cơm hả?" Bà vợ già tới gần xem, bất đắc dĩ nói. "Còn phải đi hâm nóng lại một lần nữa."

Lúc này, lí chính đã đứng lên: "Không cần, ta đi trấn trên đây."

Ông bao lại một đống sổ sách trên bàn, vội vàng đi ra ngoài. Lúc ấy, thôn xóm của bọn họ bị cướp giết, gia súc nhà ông cũng chạy hết, giờ muốn vào thành chỉ có tự mình đi bộ. Vừa mới lao ra khỏi nhà, ông đã thấy váng đầu, bụng thì kêu rồn rột, lúc này ông mới nhớ mình đã không ăn 2 bữa.

Nhưng còn rất nhiều việc phải làm, cho nên mặc kệ, lão lí chính gọi vợ già của mình đưa cho vài cái bánh bột ngô, cầm lấy cây gậy gỗ, vội vàng chống gậy đi mất.

"Ấy dà, thật là chịu tội." Vợ già ở phía sau kêu lên. "Còn khổ hơn so với chạy nạn đó, sao ông không tìm chết đi?"

Lão lí chính không để ý đến lời trêu chọc của bà vợ già, gậy gỗ chống xuống mặt đất, bước chân cũng nện xuống rầm rập. Sợ khổ ư? Thật ra không phải, mà là sợ bản thân không biết phải sống như thế nào.

Vào đông, trong xương mù người đi bộ hay kẻ cưỡi ngựa rộn bước trên đường lớn, có nhanh có chậm cùng hướng về một tòa thành trì.

Hạng Nam ngẩng đầu nhìn lên, đó chính là phủ Quang Châu.

-----------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét