TIẾNG GỌI CỦA HOANG DÃ
Tác giả: Jack London
Dịch giả: Lâm Hoài - Võ Quảng
Nhà xuất bản văn học
GIỚI THIỆU
TIẾNG GỌI CỦA HOANG DÃ là câu chuyện cuộc đời phiêu lưu mạo hiểm của chú chó Buck. Buck bị bắt cóc từ trang trại của người chủ giàu có và trở thành chó kéo xe ở khu vực Alaska lạnh giá trong thời kì người ta đổ xô đi tìm vàng thế kỉ 19. Từ cuộc sống bình yên, được cưng chiều, Buck phải làm việc rất khổ cực, chịu đói chịu rét với đủ hạng người độc ác, man rợ nơi vùng Bắc Cực khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Chính vì thế Buck đã học cách chiến đấu để sinh tồn, trở thành thủ lĩnh của đàn chó và luôn bị thôi thúc bởi tiếng gọi của rừng hoang ... Vào lúc ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như một sợi chỉ, Buck may mắn được cứu thoát và sống trong tình yêu thương của người chủ mới. Nhưng nhiều biến cố ập đến, chứng kiến cái chết bi thương của chủ, với tình yêu thương và sự trung thành, bản tính hoang dã trong Buck trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ....
***
Chương 1:
Vào cõi nguyên thủy
"Ôi khát vọng xưa đất trời rộng bước
Giận thói thường xích chặt tựa lao tù,
Đêm đông lạnh từ giấc nồng mộng ước
Lại bừng sôi huyết thống của hoang vu!"
Buck không hề đọc báo, chứ nếu có đọc thì hẳn đã biết là sắp gay go đến nơi rồi, không chỉ gay go cho riêng nó, mà còn cả họ hàng nhà chó vùng duyên hải, từ Vịnh Puget Sound đến tận San Diego, thứ chó có bắp thịt rắn khỏe và bộ lông đầy ấm áp. Ấy là bởi vì con người, qua quá trình dò dẫm giữa đất trời tối tăm vùng Bắc Cực, đã tìm thấy một thứ kim loại màu vàng, và bởi vì các công ty tàu biển và vận tải khác rầm rộ lên về sự phát triển đó, cho nên có hàng ngàn người đã đổ xô vào vùng đất phương Bắc. Những con người đó cần có chó, mà thứ chó họ cần là thứ chó cỡ lớn, có bắp thịt rắn khỏe để làm lao động nặng nhọc, và có bộ lông dày rậm rạp để mà chống đỡ với giá tuyết.
Buck sống trong một khu nhà rộng lớn giữa thung lũng vùng Santa Clara ngập nắng. Người ta gọi đó là trang trại của ngài thẩm phán Miller. Khu nhà ở xa đường cái, lại khuất trong lùm cây rậm. Qua kẽ lá có thể nhìn thấy thấp thoáng hàng hiên rộng, mát rượi chạy suốt bốn bên nhà. Từ ngoài vào đến nhà là những con đường xe chạy rải sỏi, lượn quanh co qua mấy bãi cỏ rộng, dưới những lớp cành xen nhau của những hàng bạch dương cao lớn. Khu đằng sau, đất đai còn rộng bát ngát hơn. Có những chuồng ngựa lớn, ở đó hơn chục người chăn giữ ngựa hò hét ầm ĩ, nhiều dãy lán trại cho đày tớ ở có dây nho leo kín mái, một dãy nhà ngang ngăn nắp dài dằng dặc, những chỗ ngồi mát dưới giàn nho dại, những bãi cỏ xanh rờn, vườn cây ăn quả và những khóm dâu. Rồi thì còn có cả một trạm bơm cho chiếc giếng phun, và một bể bơi lớn xây bằng xi măng, là nơi các cậu con trai nhà thẩm phán Miller lặn hụp mỗi buổi sáng và ngâm mình cho mát trong những buổi chiều nóng rực.
Vậy mà Buck ta đã ngự trị trong cái dinh cơ rộng lớn này. Tại nơi đây, Buck đã sinh ra và cũng tại nơi đây, Buck đã trải qua bốn năm tuổi đời của nó, dĩ nhiên cũng còn có những con chó khác. Giữa một nơi rộng bát ngát thế này, không thể không có thêm nhiều những con chó khác được, nhưng chúng không đáng đếm xỉa tới. Chúng chạy lăng xăng, sống chen chúc trong những chiếc cũi hay trong những xó xỉnh nào đó của khu nhà, ít ai nhận thấy. Có một con tên là Toots, loại chó Nhật Bản lùn tịt; một con khác là Ysabel, loại chó Mexico trụi lông - nhưng giống chó kỳ quặc này lại hiếm khi thấy chúng ló đầu ra khỏi cửa hay đặt chân xuống đất. Ngoài ra, còn có lũ chó săn cáo khoảng vài chục con. Chúng thường sủa lên những tiếng ghê sợ dọa con Toots và Ysabel mỗi khi bọn này thò đầu ra cửa sổ nhìn chúng. Và hai con này được cả một đám người ở vũ trang bằng chổi và cán cây lau sàn bảo vệ.
Nhưng Buck không phải hạng chó chui rúc trong nhà, cũng không phải là hạng chó nhốt trong cũi. Toàn bộ vương quốc này là của Buck. Nó cũng được ngụp lặn trong bể bơi hoặc cùng đi săn với các cậu con trai của ông thẩm phán. Nó hộ tống Mollie và Alice, các cô con gái của ông thẩm phán, trong những buổi dạo chơi dông dài của hai cô vào buổi hoàng hôn hoặc sáng tinh mơ. Những đêm giá lạnh, nó nằm dài dưới chân ông chủ trước ngọn lửa lò sưởi cháy rừng rực trong phòng đọc sách. Nó cõng những đứa cháu của ông chủ trên lưng, hoặc lăn tròn trên cỏ đùa nghịch với chúng, và canh giữ từng bước chân của bọn trẻ khi chúng mạo hiểm mò đến vòi nước ở sân chuồng ngựa hay có khi xa hơn nữa, đến tận các bãi cỏ chăn ngựa và đám đất trồng dâu. Khi đi qua lũ chó săn, Buck bước đi trông oai vệ. Còn đối với bọn con Toots và Ysabel thì Buck hoàn toàn phớt lờ. Vì Buck là vua mà! - Vua của mọi thứ sinh vật bò, lết và bay, kể cả những con người trong cái trang trại của ngài thẩm phán Miller.
Bố của Buck tên là Elmo, là một con chó nòi St. Bernard khổng lồ, đã từng làm bạn khăng khít của ngài thẩm phán, còn Buck có đầy triển vọng nối gót bố. Nó không thật to lớn bằng bố, Buck chỉ nặng có một trăm bốn mươi pounds - bởi vì Shep, mẹ của Buck chỉ là một con chó chăn cừu nòi Scotland. Tuy nhiên, vì nặng một trăm bốn mươi pounds, lại cộng thêm vẻ chững chạc đường hoàng nhờ cuộc sống sung túc và được mọi loài kính nể nên điều này đã tạo cho Buck một phong cách thật là vương giả. Trong bốn năm trời từ khi sinh ra, Buck đã sống cuộc đời của một nhà quý tộc được thỏa mãn mọi điều. Nó rất đỗi kiêu hãnh về mình, thậm chí có phần nào tự cho mình là đấng độc tôn - như các ngài trưởng giả nông thôn thỉnh thoảng cũng trở nên như vậy do hoàn cảnh sống "ếch ngồi đáy giếng" của các ngài. Thế nhưng, Buck đã tránh cho mình khỏi trở thành một giống chó nhà chỉ quen được nuông chiều. Những cuộc đi săn và những cuộc vui chơi ngoài trời tương tự đã ngăn không cho mỡ phát triển và giúp cho các bắp thịt của nó trở nên săn chắc. Và đối với nó, cũng như đối với mọi loài thích tắm trong bồn nước lạnh, việc thích bơi lội là một bài thuốc bổ giúp giữ gìn sức khỏe thật hữu ích.
Buck là một con chó như thế vào cái mùa thu năm 1897, giữa lúc "cơn sốt vàng" ở Klondike đang lôi cuốn biết bao nhiêu người trên khắp thế gian lao đến vùng đất phương Bắc giá buốt. Nhưng Buck lại chẳng hề đọc báo và Buck cũng không biết rằng Manuel, một trong những người phụ vườn, là một người quen bất đắc dĩ của nó. Manuel có một nết xấu khó chừa, đó là gã máu me chơi xổ số Tàu. Ngay trong cuộc đỏ đen, gã lại có một cố tật là tin vào một lối đánh phân loại, điều này chắc chắn đẩy ngã vào tai họa. Bởi vì muốn chơi lối đánh phân loại phải có nhiều tiền, mà đồng lương của một chàng phụ vườn thì ngay đến việc bao cho mỗi nhu cầu của vợ và cả một bầy con cũng còn không xong nữa là!
Ông thẩm phán đang đi dự cuộc họp của Hội những người trồng nho, còn bọn trẻ thì đang bận tổ chức một câu lạc bộ điền kinh. Trong cái đêm đáng ghi nhớ đã xảy ra vụ phản trắc của Manuel. Chẳng một ai nhìn thấy Manuel cùng Buck băng qua vườn cây ăn quả chuồn ra ngoài, mà Buck cũng tưởng đây chỉ là một cuộc dạo chơi bình thường thôi. Khi Manuel và Buck ra đến ga xép College Park thì chỉ có độc một người nhìn thấy. Người đó chuyện trò với Manuel một chốc, rồi người ta nghe thấy tiền trao đi trao lại xủng xoảng.
- Mày có quấn cổ nó lại hay không? Để thế mà trao à? - Người lạ mặt nói cộc cằn. Manuel lấy một sợi dây thừng thắt buộc hai vòng quanh cổ Buck, bên dưới cái vòng cổ.
- Cứ xoắn chặt lại là thừa sức làm cho nó nghẹt thở. - Manuel nói. Người lạ mặt hừm một tiếng tán thành trong cổ họng.
Buck đã đứng yên để cho Manuel buộc dây vào cổ mình. Tất nhiên, nó cũng thấy sự việc diễn biến khác thường. Nhưng Buck đã tạo được thói quen tin tưởng vào những người nó quen biết, và nó công nhận là những con người ấy có một trí khôn vượt xa hẳn trí khôn của nó. Nhưng khi đầu của sợi dây thừng được đặt vào bàn tay của người lạ mặt thì nó gừ lên đe dọa. Ấy là nó cũng chỉ đơn giản muốn gợi ý cho kẻ kia biết là nó không bằng lòng, mà với đức tính kiêu hãnh của nó thì nó cho rằng gợi ý tức là ra lệnh. Thế mà có ngờ đâu, chiếc dây thừng lại thít chặt lấy cổ nó, làm nó nghẹt thở. Bỗng nổi cơn điên giận, nó nhảy xổ vào người lạ mặt. Tên này đón lấy nó nửa chừng, túm chặt lấy họng nó, rồi bằng một cái vặn khéo léo, quật nó ngã ngửa. Thế rồi, sợi dây thắt chặt lại không thương xót, còn Buck thì điên cuồng vùng vẫy, lưỡi thè ra, lồng ngực to lớn hổn hển một cách vô ích. Suốt đời nó, chưa bao giờ nó lại bị đối xử đê hèn đến như vậy. Nhưng sức Buck kiệt dần, đôi mắt mờ dần, và Buck lịm đi chẳng còn biết gì nữa khi chuyến tàu hỏa dừng lại theo hiệu cờ, hai tên kia ném nó vào toa chở hành lí.
Khi tỉnh lại, nó lờ mờ cảm thấy đau ở lưỡi và nhận thấy mình đang bị đưa đi trong một loại xe cộ nào đó chạy xóc nảy lên. Tiếng rít khàn khàn của chiếc còi đầu máy xe lửa đi qua ngã tư đã mách bảo cho nó hiểu nó đang ở đâu. Đã quá nhiều lần đi đường với ông thẩm phán nên nó chẳng lạ gì cái cảm giác khi ngồi trong một toa hành lí. Nó mở mắt, trong đôi mắt vụt bừng lên cơn giận lôi đình của một đức vua bị bắt cóc. Người lạ mặt vội nhảy bổ vào để túm lấy cổ nó, nhưng Buck nhanh hơn gã. Hai hàm răng Buck bập vào bàn tay đang lao tới và không chịu nới lỏng tí nào cho đến khi Buck lại bị thắt cổ đến ngạt thở và ngất đi lần nữa.
Nghe tiếng huỳnh huỵch vật lộn, người công nhân khuân vác hành lí chạy đến.
- Thế đấy! Nó lên cơn! - Gã bắt cóc vừa nói với người công nhân, vừa giấu kín bàn tay rách nát không cho người này nhìn thấy. - Tôi đưa nó lên Frisco hộ ông chủ. Một ông thú y cừ khôi ở đấy bảo là ông ta chữa được.
Trong một cái lán nhỏ đằng sau quán rượu tại bến cảng San Franciso, gã lại biện bạch rất đỗi hùng hồn cho mình khi gã nói về cái đêm đi tàu ấy.
- Về món này, tôi chỉ lấy năm chục thôi. - Gã lẩm bẩm. - Có trả đến một ngàn tiền mặt hẳn hoi, tôi cũng không thiết.
Bàn tay của gã quấn chiếc mùi soa đẫm máu, ống quần bên phải của gã rách toạc từ gối xuống đến mắt cá chân.
Người chủ quán hỏi:
- Thế thằng cha kia thì giá bao nhiêu?
- Một trăm. Không kém một xu. Đấy bác liệu cho.
Lão chủ quán tính:
- Vị chi là một trăm rưỡi. Được, nó cũng đáng giá ngần ấy. Tớ không phải là kẻ không biết người biết của.
Tên bắt cóc tháo mảnh băng đẫm máu và nhìn bàn tay rách tươm của mình:
- Phải bệnh dại thì bỏ mẹ....
Lão chủ quán cười lớn:
- Ấy, nếu có vậy thì cũng do cái nghiệp chướng của chú mày đấy, chú mày ạ!
Lão nói tiếp:
- Nào, giúp tớ một tay trước lúc chú mày biến!
Đầu choáng váng, họng và lưỡi đau nhức nhối, trong tình trạng đã bị bóp cổ đến gần như ngắc ngoải. Buck gắng sức đương đầu với những tên hành hạ mình, nhưng nó liên tiếp bị quật ngã và thắt nghẹt thở nhiều lần, cho đến khi chúng giũa đứt được cái vòng đai bằng đồng nặng nề và gỡ ra khỏi cổ nó. Sau đó sợi dây thừng được tháo ra và Buck bị ném vào một cái thùng thưa giống chiếc cũi.
Buck nằm đấy cho đến hết cái đêm chán ngán rã rời ấy, ủ nặng trong lòng nỗi phẫn nộ và niềm kiêu hãnh bị tổn thương. Nó không thể hiểu nổi tất cả những điều xảy ra đó nghĩa là thế nào. Những con người lạ lùng kia muốn gì ở nó? Tại sao họ lại giam giữ nó trong cái thùng chật hẹp này? Nó không hiểu tại sao cả, nhưng trong lòng nặng trĩu một cảm giác mơ hồ là có mối tai họa nào đó đang lơ lửng trên đầu nó. Đêm ấy, nhiều lần nó đã vùng đứng dậy khi chiếc cửa lán lách cách mở, hi vọng được nhìn thấy ông thẩm phán, hoặc ít nhất là bọn trẻ. Nhưng mỗi lần như vậy, nó chỉ bắt gặp cái mặt núng nính của lão chủ quán ngó ra nhòm nó dưới ánh sáng vàng ệch của một ngọn nến làm bằng mỡ. Và mỗi lần như vậy, tiếng sủa vui mừng đang run run sắp bật ra từ cổ họng Buck lại tan đi thành một tiếng giận dữ.
Nhưng rồi lão chủ quán cũng để cho nó yên một mình. Đến sáng hôm sau, bốn người bước vào và khiêng cái thùng ra. Lại thêm những kẻ hành hạ mình đây. Buck khẳng định như vậy, bởi vì trông chúng có vẻ ác độc, đầu tóc bờm xờm, quần áo lếch thếch. Buck gầm thét, nổi cơn thịnh nộ lên với chúng qua các then cửa chiếc thùng gỗ. Chúng chỉ cười giễu và thọc gậy và Buck. Buck chồm tới dồn dập tấn công những đầu gậy thọc vào, cho đến khi nó nhận thấy là hóa ra bọn chúng muốn như vậy. Buồn nản, Buck đành thúc thủ nằm dài, để mặc cho chúng nâng cái thùng đưa vào một chiếc xe ngựa. Và thế là từ đây, Buck cùng chiếc thùng giam giữ bắt đầu được chuyển từ tay người này sang tay người khác. Các nhân viên của hãng vận tải tốc hành nhận trách nhiệm chuyển nó. Một chiếc xe ngựa khác chở Buck đến một nơi nào đấy; rồi một chiếc xe tải lại mang nó đi cùng với một đống những hòm và gói, trên một chiếc tàu phà. Từ chiếc tàu phà này, xe tải lại đưa nó tới một ga xe lửa lớn và cuối cùng, nó được đưa vào trong một toa tàu tốc hành.
Trong suốt hai ngày đêm, chiếc toa tàu kéo theo sau những đầu máy rít liên hồi. Và suốt hai ngày đêm ấy, Buck không ăn, không uống. Lòng chứa chất căm hận, Buck đã đáp lại thái độ làm thân của những nhân viên hãng tốc hành bằng những tiếng gầm gừ và họ đã trả đũa bằng cách trêu tức nó. Khi nó lao mình ra then thùng gỗ, run lên và sùi bọt mép vì giận dữ, họ cười giễu và chế nhạo nó. Họ gầm gừ và sủa như những con chó đáng ghét, hay kêu meo meo, đập tay đen đét vào gáy. Tất cả những cái đó đều rất dơ bẩn, nó biết vậy. Nhưng chính vì vậy mà nó thấy danh giá của nó càng bị xúc phạm, nỗi căm giận càng mỗi lúc mỗi tăng. Đói ăn không phải là điều nó quan tâm nhiều lắm, nhưng khát nước đã làm nó cực kì khổ sở và thổi bùng sự phẫn nộ của nó lên đến mức như phát sốt. Trong lúc nó đang căng thẳng cao độ và hết sức nhạy cảm thì những hành động đối xử xấu xa đã khiến nó lên cơn sốt, cơn sốt này càng tăng thêm vì họng bị viên tấy và lưỡi khô khốc, sưng phồng.
Chỉ có một điều làm nó hài lòng: sợi dây thừng đã rời khỏi cổ nó. Sợi dây ấy đã tạo cho bọn người kia một lợi thế, nhưng không công bằng đối với nó. Song bây giờ, chẳng còn sợi dây ấy ở cổ thì Buck sẽ cho chúng biết tay. Chúng đừng bao giờ hòng đặt một sợi dây nào khác vào cổ nó nữa. Buck quả quyết như vậy. Suốt hai ngày đêm, nó không ăn, không uống và trong hai ngày bị hành hạ ấy, nỗi căm giận chất chứa bên trong nó báo trước điều chẳng lành cho kẻ nào vô phúc chạm vào nó đầu tiên. Đôi mắt nó vằn lên đỏ ngầu. Nó đã hóa thành một con quỷ với lửa giận ngút trời. Nó thay đổi đến nỗi dù bản thân ông thẩm phán có gặp cũng sẽ không thể nhận ra được nó nữa. Và những nhân viên trên tàu thở phào nhẹ nhõm lúc tống khứ được nó ra khỏi tàu hỏa tại thành phố Seattle.
Bốn người rất thận trọng bê chiếc thùng thưa từ chiếc xe ngựa vào trong một mảnh sân sau hẹp có tường cao vây kín. Một người chắc mập mặc chiếc áo nịt màu đỏ dãn rộng ở cổ, bước ra và ký vào sổ của người đánh xe ngựa. Buck đoán chắc tên này sẽ hành hạ mình tiếp, thế là nó lao mình ra sát thành gỗ một cách dữ tợn. Người kia mỉm cười nham hiểm, mang đến một chiếc rìu nhỏ và một cái dùi cui.
Người đánh xe hỏi:
- Ông định thả nó bây giờ chứ?
- Sao lại không? - Người kia vừa trả lời, vừa bổ chiếc rìu vào cái thùng để nạy ra.
Lập tức bốn người mang chó đến vội bỏ chạy tán loạn, rồi từ vị trí ngồi vắt vẻo trên đỉnh tường cao an toàn, họ chuẩn bị chứng kiến cảnh tượng sắp diễn ra.
Buck xông tới cắn ngập răng vào thanh gỗ vỡ toác, rồi nhay xé, vật lộn với thanh gỗ. Ở bên ngoài, rìu bổ xuống đâu thì ở bên trong Buck sấn tới đó, gừ gào gầm rít. Người mặc áo đỏ chăm chú tháo cũ cho nó ra với thái độ điềm tĩnh bao nhiêu thì nó lồng lộn chực xông ra với thái độ hung dữ bấy nhiêu.
Khi đã phá được một lỗ trống vừa người Buck chui lọt, gã đàn ông lên tiếng:
- Nào! Cái con quỷ mắt đỏ kia! - Đồng thời gã vứt chiếc rìu đi và chuyển chiếc dùi cui sang tay phải.
Và Buck quả đã trở thành một con quỷ mắt đỏ, với thân hình thu hết lại chuẩn bị nhảy vọt, lông dựng đứng, mép sủi bọt, đôi mắt ngầu đỏ ánh lên một ngọn lửa điên dại. Nhằm thẳng người kia, nó phóng toàn bộ thân hình một trăm bốn mươi pounds chứa chất sự giận dữ của nó, cộng thêm cả sức nặng của mối căm giận bị đè nén trong suốt hai ngày đêm tù hãm.
Đang lao nửa chừng, đúng vào lúc hai hàm của nó sắp bập vào con người trước mắt, thì một đòn giáng đột ngột chặn đứng cả thân hình nó lại và đánh gập hàng răng của nó đập vào nhau đau đớn. Nó ngã lộn nhào, giáng lưng và sườn xuống đất. Trong đời nó, chưa bao giờ nó bị đánh bằng dùi cui, nên nó không hiểu ra sao cả. Với một tiếng giống tiếng rú hơn là tiếng sủa, nó lại bật dậy và lao vọt lên. Đòn trí mạng lại giáng tới và quật nó xuống đất. Lần này thì nó biết đó là chiếc dùi cui, nhưng khi đã điên lên rồi, nó chẳng còn biết thận trọng gì nữa. Hàng chục lần, nó lao lên tấn công, và cũng bấy nhiêu lần chiếc dùi cui bẻ gẫy cuộc tấn công và đánh gục nó.
Sau một đòn đặc biệt ác liệt, Buck bò lê ra đất vì quá choáng váng, không vọt lên được nữa. Nó khập khiễng lảo đảo bước quanh, máu ứa ra cả mũi, cả mồm và cả tai, bộ lông đẹp của nó lấm tấm những đốm nước bọt đẫm máu. Lúc này, người mặc áo đỏ bèn bước tới, cố tình quật nó một cú khủng khiếp vào mũi. Mọi đòn đau từ nãy đến giờ thật chẳng mùi mẽ gì so với cú đánh đau đớn đến thấu gan, thấu ruột này. Rống lên một tiếng hung tợn gần như tiếng gầm của sư tử, nó lại lao vào người kia. Nhưng gã chuyển chiếc dùi cui từ tay phải sang tay trái, bình tĩnh tóm lấy hàm dưới của Buck, đồng thời vặn nó xuống phía dưới và ra đằng sau. Buck vùng vẫy trên không, vạch thành một vòng tròn, lộn thêm nửa vòng nữa rồi đâm đầu và ức xuống đất.
Lần cuối cùng Buck lao tới. Gã đàn ông bèn giáng cho nó một đòn ác hiểm mà gã đã chủ tâm giữ lại cho đến lúc này, và thế là Buck gục hẳn, ngã vật xuống đất, hoàn toàn bất tỉnh.
- Ái chà! Trị chó như vậy phải nói là tuyệt! - Một người trên tường cao reo lên thích thú.
Tiếng gã đánh xe đáp:
- Tốt hơn hết là trị mấy con nghẽo, trị hàng ngày, Chủ nhật trị hai lần. - Và gã trèo lên xe, ra roi thúc ngựa đi.
Buck hồi tỉnh, nhưng sức lực của nó thì đã kiệt. Nó vẫn nằm bẹp ở chỗ nó rơi xuống lúc nãy, theo dõi người mặc áo nịt đỏ.
- Tên nó là Buck. - Người đàn ông nói một mình, nhắc lại mấy chữ trong bức thư của lão chủ quán đã viết cho gã báo trước về cái thùng đựng món hàng. - Nào! Buck! Anh bạn! - Gã nói tiếp bằng một giọng thân mật vui vẻ. - Chúng ta đã có một cuộc ẩu đả nho nhỏ với nhau, thôi đến đây tốt hơn hết là chúng ta cho qua, đừng để tâm nữa nhé! Chú mày đã hiểu được cương vị của chú mày, còn ta, thì ta biết cương vị của ta. Hãy trở thành một con chó ngoan, rồi tất cả mọi việc sẽ trôi chảy êm đẹp. Còn nếu chú mày mà bướng, thì ta sẽ quật cho sặc cơm ra. Nghe chưa?
Gã vừa nói vừa mạnh bạo lấy tay vỗ về trên cái đầu mà vừa rồi gã đã nện cho không thương tiếc, mặc dù lông Buck vô tình dựng ngược cả lên mỗi khi bàn tay ấy chạm vào nó, nó vẫn cam chịu sự vỗ về mà không phản ứng. Và khi gã mang nước đến, nó uống háo hức, rồi sau đó lại vồ vập ngốn một bữa thịt sống thỏa thuê, hết súc này đến súc khác, ngay trong bàn tay gã bón cho nó.
Nó đã bị đánh gục, nó biết vậy, nhưng không bị đánh đến tan xương. Nó vĩnh viễn nhận thấy là nó không thể chống lại một con người có chiếc dùi cui trong tay. Nó đã học được một bài học mà sau này cho đến hết đời nó vẫn không hề quên. Chiếc dùi cui ấy là một sự phát triển mới. Đó là vật đưa nó vào lãnh địa của luật lệ nguyên thủy và nó nhớ rõ bài học đó.
Sự thật của cuộc đời đã mang một bộ mặt hung tàn hơn trước. Và trong lúc nó đương đầu với bộ mặt ấy mà không khiếp sợ, thì ấy cũng là lúc nó đương đầu bằng tất cả cái khôn ranh tiềm tàng đã được khơi dậy từ trong bản chất đó. Ngày lại ngày trôi qua, có những con chó khác đã đến, con thì bị nhốt trong thùng thưa, con thì được dắt đến bằng sợi dây thừng buộc cổ. Một số con ngoan ngoãn, một số con thì điên giận và gầm thét như Buck lúc mới đến. Và Buck đã quan sát được tất cả bọn chúng, không sót một con nào, kinh qua tay chế ngự của người mặc áo nịt đỏ. Đã bao lần, mỗi khi nó nhìn thấy cảnh tượng tàn bạo diễn ra thì bài học lại trở về trong trí nó: người cầm dùi cui là kẻ ra luật, phải tuân lệnh ông chủ, mặc dù không nhất thiết phải thần phục gã. Về điểm cuối cùng này, Buck không bao giờ có lỗi. Mặc dù nó quả đã thấy có những con chó sau khi bị đánh vẫn xun xoe bên cạnh người ấy, rồi nào là vẫy đuôi mừng, nào là liếm tay gã. Và Buck cũng đã thấy một con chó không chịu thần phục nhưng cũng không chịu tuân lệnh, cuối cùng bị giết trong cuộc tranh đấu để giành chiến thắng.
Thỉnh thoảng lại có người đến, những người lạ, họ nói chuyện với người mặc áo nịt đỏ bằng cái giọng sôi nổi, hoặc bàn tán nhỏ to bằng đủ thứ giọng. Và trong những lần như vậy, sau khi hai bên trao tiền cho nhau, thì những người lạ mặt lại mang đi một vài con chó. Buck tự hỏi không biết những con chó ấy đi đâu, vì chúng không bao giờ trở lại cả; nhưng bên trong Buck canh cánh một nỗi lo sợ cho tương lai, do đó mỗi lần không ai đả động gì đến nó cả thì nó lại mừng.
Thế nhưng cuối cùng cũng đến lượt nó. Ấy là cái hôm xuất hiện một anh chàng bé nhỏ, nhăn nheo, nói bô bô một thứ tiếng Anh tồi với nhiều thán từ kì dị và mới lạ mà Buck không thể hiểu nổi.
- Sacrédam! - Anh chàng kêu to, hai mắt sáng lên khi phát hiện ra Buck. - Thật là một con chó tuyệt vời! Ê! Bao nhiêu?
(Sacrédam: tiếng rủa, kết hợp tiếng Pháp 'Sacré' với tiếng Anh 'damn', đều có nghĩa là 'chết tiệt', 'quỷ tha ma bắt'.)
- Ba trăm. Coi như biếu không thôi đấy! - Tiếng người áo đỏ trả lời ngay tức thì. - Vì rằng đây cũng là tiền của Nhà nước thôi, tớ chắc là cậu cũng chả phản đối gì, hả Perrault?
Perrault toét miệng cười nhăn nhở. Cứ xét giá chó nói chung đã vọt lên đến tầng mây do nhu cầu tăng một cách hiếm thấy, thì số tiền này cũng không phải là quá cao đối với một con vật tuyệt như vậy. Chính phủ Canada chẳng thiệt gì, mà những công văn, thư từ của chính phủ chuyển đi cũng chẳng bị chậm hơn tí nào. Perrault là người sành về chó nên khi nhìn thấy Buck, anh biết là trong một ngàn con chó mới được một con như thế.
"Thậm chí một vạn con mới được một con như thế", anh thầm nhận xét trong đầu.
Buck nhìn thấy tiền trao qua đổi lại giữa hai người và không ngạc nhiên chút nào khi nó cùng với Curly, một con chó cái hiền lành thuộc nòi Newfoundland, bị người đàn ông bé nhỏ nhăn nheo dắt đi. Đó là lần cuối cùng nó nhìn thấy người mặc áo nịt đỏ, và khi nó cùng con Curly đứng trên boong tàu Narwhal dõi theo thành phố Seattle đang lùi dần, thì đó là lần cuối cùng nó ngắm nhìn vùng đất phương Nam ấm áp.
Perrault đưa Buck và Curly xuống bên trong tàu và bàn giao chúng cho một anh chàng to lớn mắt đen tên François. Perrault là một người Canada gốc Pháp, da ngăm đen; còn François thì lại là người Canada gốc Pháp lai thổ dân, da còn đen hơn gấp bội. Đối với Buck, họ thuộc một loại người mới lạ (loại người mà số phận sắp đặt ra cho Buck là còn phải gặp nhiều nữa). Buck không thấy trong lòng mình nảy nở mối thiện cảm gì đối với họ, tuy nhiên nó dần dần đâm ra kính trọng họ thật sự. Nó nhanh chóng nhận thấy Perrault và François là những con người thông minh, bình tĩnh và vô tư trong việc thi hành công lí. Họ quá thông thạo về tính cách của loài chó nên chúng không thể lừa bịp nổi.
Trên tàu Narwhal, Buck và Curly đã kết bạn với hai con chó khác: một con to lớn, lông trắng như tuyết, gốc gác từ quần đảo Spitzbergen. Nó được một thuyền trưởng đánh cá voi mang đi khỏi quần đảo đó, rồi sau đó đi theo một đoàn nghiên cứu địa chất đến vùng Barrens cằn cỗi ở Canada.
Con chó này bề ngoài làm ra vẻ thân thiện theo kiểu xảo trá, mỉm cười trước mặt kẻ khác nhưng đồng thời lại trù tính một ngón chơi khăm lén lút nào đó. Ví dụ như ngay trong bữa ăn đầu tiên cùng với Buck, nó đã xoáy trộm một phần thức ăn của Buck. Buck vừa vọt sang để trị tội nó, thì sợi dây buộc đầu chiếc roi của François đã vút trong không khí bay đến trước, quất vào tên kẻ cắp. Thế là Buck không còn phải làm gì nữa ngoài việc thu hồi cái xương của nó. François thế là công bằng, Buck khẳng định vậy, và uy tín anh chàng người lai bắt đầu lên cao trong sự quý trọng của Buck.
Còn một con chó nữa thì không thèm làm thân với ai, mà cũng không nhận sự làm thân của ai. Nó cũng không mưu toan đánh cắp thứ gì của kẻ mới đến. Nó là một kẻ rầu rĩ, ủ ê. Nó thẳng thừng tỏ rõ cho Curly biết rằng, tất cả mong muốn của nó là hãy để cho nó yên một mình, và hơn nữa, nếu cứ động vào nó thì rồi sẽ có chuyện phiền toái đấy! Dave là tên gọi của nó. Nó ăn rồi ngủ, thảng hoặc ngáp dài chẳng quan tâm đến cái gì, ngay cả lúc con tàu Narwhal vượt qua vịnh Queen Charlotte, hết lắc bên này lại đảo bên nọ chồm lên chúi xuống, cứ như đồ bị ma ám. Khi Buck và Curly bị kích động mạnh, hoảng sợ đến gần như phát cuồng thì Dave ngẩng đầu có vẻ khó chịu, nhưng rồi nó lại tỏ thái độ khoan dung với chúng bằng một cái liếc nhìn thờ ơ, ngáp một cái, rồi lại vùi đầu nằm ngủ.
Ngày cũng như đêm, con tàu rộn ràng nhịp đập không hề mệt mỏi của chiếc chân vịt, và mặc dù ngày nào cũng giống hệt ngày nào, Buck nhận thấy rõ ràng là tiết trời cứ càng ngày càng rét thêm lên mãi. Cuối cùng vào một buổi sáng, tiếng chân vịt ngừng bặt, và con tàu Narwhal bỗng tràn ngập một không khí nhộn nhạo. Nó cảm thấy điều đó, lũ chó kia cũng cảm thấy như vậy, và chúng biết rằng sắp có một thay đổi gì đây. François lấy dây buộc mấy con chó lại, rồi dắt chúng lên boong. Vừa đặt chân lên trên mặt boong giá lạnh, chân Buck sục ngay vào một chất trắng nõn, sền sệt như bùn. Nó vội nhảy lui lại, khịt lên một tiếng. Thêm nhiều vụn của chất trắng ấy đang lả tả rơi từ trên không xuống. Nó lắc mình để giũ, nhưng lại có nhiều vụn khác rơi xuống mình nó, nó tò mò hít cái của lạ ấy, rồi tợp một mảnh lên lưỡi. Cái chất ấy ran rát như lửa đốt, nhưng mất ngay. Điều đó làm nó bối rối, không hiểu được. Nó thử lại một lần nữa, kết quả như cũ. Những người đứng nhìn cười ầm lên khiến nó cảm thấy xấu hổ, không hiểu sao cả, bởi vì đó là bông tuyết đầu tiên xuất hiện trong cuộc đời của nó.
Chương 2:
Luật của dùi cui và răng nanh
Ngày đầu tiên của Buck trên bờ sông Dyea giống như một cơn ác mộng. Nó sửng sốt, kinh ngạc từng giờ. Buck đột ngột bị hất mạnh ra khỏi trung tâm của cuộc sống văn minh và bị tống vào cõi nguyên thủy. Ở đây không có cuộc sống nhàn nhã tắm ánh nắng mơn man, không có gì để làm ngoài việc đi tha thẩn và buồn chán. Ở đây không có yên tĩnh, không có nghỉ ngơi, cũng không có một phút nào an toàn. Tất cả đều là rối loạn và chiến đấu, và bất kì lúc nào tính mạng cũng bị đe dọa. Thường xuyên cảnh giác là một nhu cầu bắt buộc, bởi vì chó và người ở đây không phải là chó và người của thị thành. Tất cả bọn chúng đều man rợ, chúng không tuân theo một luật lệ gì ngoài luật của dùi cui và răng nanh.
Buck chưa bao giờ thấy chó đánh nhau theo cái kiểu những thứ sinh vật như sói lang này đánh nhau, và kinh nghiệm đầu tiên của nó đã cho nó một bài học không bao giờ quên được. Nói đúng ra, đây là một kinh nghiệm mà nó rút ra từ kẻ khác, chứ nếu không phải như vậy thì nó đã chẳng còn tồn tại để mà vận dụng kinh nghiệm ấy cho bản thân nó sau này. Curly chính là nạn nhân của sự việc đã xảy ra. Đoàn người và chó đóng trại gần kho chứa gỗ. Tại kho này, cô nàng Curly theo thói quen thân thiện của mình sán lại đánh bạn với một con chó Eskimo to bằng một con sói trưởng thành, mặc dù không bằng một nửa vóc dáng của Curly. Không có một dấu hiệu báo trước nào cả, chỉ có một bước nhảy và nhanh như chớp, một tiếng răng đập vào nhau chói như tiếng kim loại, mỗi một bước nhảy ra cũng nhanh như chớp, và thế là mặc Curly bị rách toạc ra từ mắt đến hàm.
Ấy, cái kiểu đánh nhau của chó sói là như vậy, đá một cái rồi vọt ra ngoài; nhưng không phải chỉ có như vậy, mà còn nữa. Khoảng ba chục đến bốn chục con chó Eskimo khác chạy đến, bao vây lấy hai con vật đang đánh nhau, hình thành một vòng tròn chăm chú im lặng. Buck không sao hiểu được sự chăm chú im lặng ấy, và cũng không thể hiểu nổi cái lối chúng đang liếm mép một cách hau háu như thế kia. Curly lao vào đối thủ. Con vật này lại đớp một cái rồi vọt ra một bên. Đến khi Curly lao vào lần nữa thì hắn giơ ức ra chặn một cách đặc biệt làm cho Curly ngã nhào chổng cả bốn vó lên. Curly không còn đứng dậy được nữa. Vì chính đó là điều mà bầy súc vật đứng nhìn kia đã chờ đợi. Chúng lập tức ùa vào vồ lấy nghiền lấy Curly, gừ gào và gầm rít, Curly bị vùi dập, thốt lên đau đớn trong cơn hấp hối dưới đống thân hình chen chúc lổn nhổn.
Sự việc xảy ra đột ngột quá, bất ngờ quá, làm cho Buck sửng sốt. Buck nhìn thấy Spitz thè cái lưỡi đỏ tươi ra cười theo cái kiểu của hắn. Và Buck thấy François, tay vung một chiếc rìu, nhảy bổ vào bầy chó hỗn loạn. Ba người khác cầm dùi cui xông đến giúp anh đánh đuổi chúng. Họ không phải mất nhiều thì giờ. Chỉ trong vòng hai phút từ khi Curly ngã xuống, những con cuối cùng trong bầy hung đồ xâu xé Curly đã bị dùi cui đánh xua đi hết. Nhưng Curly nằm đó, mềm nhũn và tắt thở, gần như bị xé hẳn ra từng mảnh, trong đám tuyết nát nhừ và vấy máu. Anh chàng người lai da ngăm đen đứng sát bên xác nó, đang nguyền rủa khủng khiếp. Quang cảnh đó đã thường lờn vởn trở lại trong tâm trí Buck, làm cho nó không yên trong giấc ngủ. À, thì ra cái lối chơi như vậy đấy, lối chơi không quân tử. Một khi anh ngã xuống, thế là anh hết đời. Được rồi, nó sẽ gắng giữ cho mình không bao giờ ngã xuống. Kìa, Spitz lại thè lưỡi ra mà cười. Kể từ lúc ấy, Buck mãi mãi ghét cay ghét đắng Spitz.
Buck chưa kịp trấn tĩnh sau cơn bàng hoàng vì cái chết thê thảm của Curly, thì một điều khác lại làm nó sửng sốt, François buộc vào mình nó một mớ bộ xâu những đai da và khóa gài bằng sắt. Đó là một bộ đai cương, giống như cái thứ mà Buck đã nhìn thấy các chú bồi ngựa đặt lên lưng ngựa hồi Buck còn ở nhà. Và hồi ấy, Buck đã nhìn thấy lũ ngựa làm việc gì, thì nay Buck cũng lại bị bắt làm việc ấy. Nó phải kéo một chiếc xe trượt tuyết có François ngồi trên, đi đến một khu rừng sát mép thung lũng, rồi lại trở về với chiếc xe chất đầy củi. Mặc dù danh giá của Buck bị tổn thương, nó đau xót khi bị biến thành một con vật kéo xe như vậy, nhưng Buck đủ khôn ngoan để tự kiềm chế, không chống đối lại. Nó xác định quyết tâm làm công việc ấy và đã làm hết sức mình, mặc dù tất cả đều mới mẻ và lạ lùng.
François là con người nghiêm khắc, đòi hỏi sự tuân lệnh ngay lập tức, và nhờ có chiếc roi da nên mệnh lệnh được tuân theo ngay lập tức. Trong khi đó thì Dave, con chó ở vị trí kéo sát xe đã có kinh nghiệm trong vai trò này, lại đớp vào hông của Buck mỗi khi Buck phạm sai lầm.
Về phần Spitz, con chó ở vị trí đầu đàn, cũng có kinh nghiệm trong nghề, nhưng vì hắn không phải lúc nào cũng chạm được tới Buck nên thỉnh thoảng hắn lại gừ lên những tiếng gay gắt để quở trách Buck, hoặc láu cá đâm đổ dồn cả trọng lượng của hắn vào các dây kéo để hất Buck trở lại đúng vào hướng mà Buck phải đi. Buck đã học được một cách dễ dàng, và dưới sự phối hợp dạy nghề của hai con chó kia cùng với François, Buck đã đạt được những tiến bộ rõ rệt. Trước khi trở về đến trại, nó đã nắm được những điều cần thiết, đủ để biết đứng lại khi nghe tiếng "họ", biết đi tới khi nghe tiếng "mush", biết ngoặt rộng ở những khúc đường vòng, và biết tránh khỏi chạm phải con chó ở vị trí sát ngay trước xe mỗi khi chiếc xe trượt chở nặng đổ dốc lao xuống sát gót chúng.
- Ba con chó rất giỏi. - François bảo Perrault - Còn con Buck kia, nó kéo chết thôi. Nó tiếp thu những điều tớ dạy rất nhanh.
Buổi chiều hôm đó, Perrault trở về với hai con chó nữa vì anh đang cần gấp rút lên đường với đống công văn thư từ của anh. Anh gọi chúng là "Billee" và "Joe". Chúng là hai anh em ruột, và cả hai đều là nòi chó Eskimo chính cống. Tuy là cùng một mẹ, nhưng chúng khác nhau như đêm với ngày. Một điều đáng chê trách ở Billee là cái nết quá đỗi nhu nhược, còn Joe thì hoàn toàn trái ngược, hay cáu bẳn và hẹp hòi, thường xuyên gầm gừ và có cái nhìn ác ý. Buck tiếp đón chúng bằng thái độ bạn bè, Dave thì phớt lờ chúng, còn Spitz thì xông vào hoạnh họe hết tên này đến tên kia. Billee vẫy đuôi cầu hòa, quay mình bỏ chạy khi thấy cầu hòa không ăn thua, và kêu lên (cũng kêu lên với giọng cầu hòa) khi hàm răng sắc nhọn của Spitz rạch vào sườn nó. Nhưng còn Joe thì bất chấp Spitz lượn quanh như thế nào, nó đưa hai chân sau rồi thoăn thoắt quay vòng để đối đầu với Spitz, bờm cổ dựng đứng lên, tai kéo xếch ra đằng sau, mép giần giật nhăn nhở và gầm rít, hai hàm răng liên hồi vập vào nhau đến mức nhanh nhất, và mắt lóe lên một ánh hiểm ác - biểu thị sẵn sàng chấp nhận cuộc giao tranh. Trông diện mạo của nó đến phát khiếp làm cho Spitz buộc phải thôi không còn dám ghép nó vào khuôn vào phép gì nữa. Nhưng để gỡ lại thể diện, Spitz lại quay sang tên Billee lành như đất và hay kêu van khi để rượt đuổi Billee đến tận cùng khu trại.
Đến tối hôm ấy, Perrault kiếm được thêm một con chó nữa, một lão chó Eskimo già, mình dài, gầy guộc, có vẻ dữ tợn, với bộ mặt có những vết sẹo chinh chiến, và chỉ còn một con mắt độc nhất, trong đó rực lên dấu hiệu của sự can đảm, khiến kẻ khác phải kính nể. Người ta gọi lão là "Sol-leks", có nghĩa là "Kẻ tức giận".
Cũng giống như Dave, lão không đòi hỏi ai cái gì và không cho ai cái gì, cũng không trông mong vào cái gì cả. Và khi lão bước chậm rãi, khoan thai đi vào chính giữa đám chó, thì ngay cả Spitz cũng để cho lão yên, không dây vào lão. Lão có một tính đặc biệt, thật không may là Buck đã phát hiện ra: lão không thích kẻ nào sán gần đến bên mắt mù của lão. Buck đã phạm phải điều này một cách vô tình và Buck bắt đầu nhận thức được sự vô ý của mình là lúc Sol-leks lao bổ vào nó và dữ dội cắn vào vai nó, rạch thành nhiều vết sâu đến tận xương và dài có đến ba inch (1 inch = 2cm54). Thế là mãi về sau, Buck kiềng không đi qua bên mắt mù của lão nữa. Quan hệ của Buck với lão từ đây không còn điều gì rắc rối. Mong muốn hiển nhiên của Sol-leks cũng giống như của Dave, chỉ là được để yên một mình, đừng ai động đến, mặc dù như sau này Buck đã thấy, mỗi gã đều còn có một ham muốn khác, một ham muốn mang tính chất còn sinh tử hơn nhiều.
Đêm ấy, Buck đi ngủ một cách vô cùng vất vả. Chiếc lều vì có ngọn nến chiếu sáng, rực lên ấm cúng giữa cánh đồng trắng toát. Buck bước vào đó, ấy là điều dĩ nhiên thôi. Thế nhưng khi nó bước vào, cả Perrault lẫn François đều tới tấp tấn công nó bằng những dụng cụ nấu ăn và những lời chửi rủa, mãi cho đến khi nó trấn tĩnh lại được sau cơn sững sờ kinh ngạc và bỏ chạy nhục nhã trở ra ngoài trời giá lạnh. Một cơn giá rét thổi qua, làm nó tê buốt như tiêm chọc một thứ nọc độc nhức nhối vào vết thương trên vai. Nó nằm dài trên tuyết và cố làm sao để ngủ, nhưng chẳng được mấy chốc sương giá đã đánh bật nó đứng dậy run lẩy bẩy. Khốn khổ và thất vọng, nó lang thang đi quanh quẩn giữa những chiếc lều, nhưng chỉ thấy chỗ nào cũng rét cả. Rải rác đây đó, một vài con chó hoang xông đến lao vào nó, thế là nó liền dựng đứng bờm cổ lên và gầm rít (nó học kinh nghiệm này cũng khá nhanh) và thế là chúng để cho nó tiếp tục đi qua yên ổn.
Cuối cùng, nó nảy ra một ý. Nó sẽ trở lui và xem thử các bạn trong đàn nó xử sự như thế nào? Lạ lùng thay, chúng nó biến đi đâu mất cả. Nó lại lang thang quanh quẩn qua giữa khu lều trại thênh thang để đi tìm bọn chúng, nhưng rồi nó lại trở về không. Hay là chúng nó ở trong lều? Không, không thể như vậy được, vì nếu chúng ở trong lều thì bản thân nó đã không bị đuổi ra ngoài như vậy. Thế thì chúng nó có thể ở đâu? Đuôi cụp xuống, toàn thân run lẩy bẩy, quả là rất đau khổ tuyệt vọng, nó tha thẩn bước vòng quanh chiếc lều. Bỗng nhiên tuyết tụt xuống dưới hai chân trước của nó, làm nó sụt chân xuống. Có một cái gì đó quằn quại dưới bàn chân Buck. Nó vội nhảy lui, lông dựng ngược cả lên và gầm gừ, kinh sợ trước vật không nhìn thấy và không nhận ra được nó. Nhưng một tiếng ư ử nhỏ thân thiện cất lên làm nó vững dạ nên nó lại bước tới xem xét. Một luồng hơi ấm tỏa nhẹ bốc lên mũi nó. Và ở đây, Billee đang nằm cuộn lại dưới tuyết thành một cục tròn, kín gió ấm áp. Billee kêu lí nhí bằng cái giọng xoa dịu, vặn vẹo mình mẩy để bày tỏ thiện chí của nó và lại còn dám đánh bạo liếm mặt Buck bằng cái lưỡi ươn ướt ấm áp của nó như là một hành động đút lót để cầu hòa.
Lại một bài học nữa! À, thì ra chúng làm cái kiểu như thế này đấy! Với sự tự tin, Buck cũng chọn một chỗ, rồi rất rối rít và lãng phí sức, Buck tiến hành đào cho mình một cái lỗ. Và thế là trong nháy mắt, hơi ấm của thân thể Buck tỏa đầy trong hố kín, và nó ngủ thiếp đi. Ngày hôm ấy thật là quá dài, lại gay go gian khổ nên nó ngủ rất ngon và khoan khoái, mặc dù thỉnh thoảng nó lại gầm gừ, sủa và giật mình vì nằm mơ thấy những điều dữ dội.
Mãi cho đến khi những tiếng ồn ào của khu trại đang thức dậy khuấy động làm Buck tỉnh giấc thì nó mới mở mắt. Thoạt đầu, nó không biết là đang ở đâu. Cả đêm tuyết đã rơi và lấp kín nó. Những bức tường tuyết ép vào nó khắp xung quanh khiến trong lòng nó đột nhiên rộ lên một nỗi hoảng sợ ghê gớm - nỗi thảng thốt của con thú hoang dã sợ mắc vào bẫy. Đây là một dấu hiệu chứng tỏ Buck kéo cuộc đời của nó lui trở về với cuộc đời của tổ tiên nó, bởi vì Buck là một con chó đã trở thành văn minh, một con chó quá đỗi văn minh, vậy nếu chỉ qua vài kinh nghiệm của bản thân nó thôi thì làm sao biết được cái bẫy là gì, và do đó nhận thức của bản thân nó thì không thể nào lại sợ bẫy. Các bắp thịt trong toàn thân nó co giật từng hồi theo linh tính, lông trên cổ và vai nó dựng ngược cả lên, và với một tiếng gầm hung tợn, nó bật nhảy vọt thẳng đứng lên ra giữa ban ngày chói lóa, tuyết bay tung ra xung quanh nó thành một đám bụi ngời sáng. Trước khi bốn chân chạm đất, nó đã kịp nhìn thấy khu trại trắng toát trải ra trước mắt và hiểu ngay là nó đang ở đâu, và nó nhớ lại tất cả, từ cái buổi nó đi dạo chơi cùng Manuel cho đến cái hố nó tự đào cho mình đêm qua.
Một tiếng reo của François chào đón sự xuất hiện của nó. Anh chàng đánh xe chó kêu to gọi Perrault:
- Này tớ bảo! Cái con Buck học gì cũng cực kì nhanh.
Perrault trang trọng gật đầu. Là một nhân viên giao liên cho chính phủ Canada, mang chuyển những công văn giấy tờ quan trọng, anh ta lo tìm cho được những con chó tốt nhất và anh đặc biệt hài lòng khi kiếm được Buck.
Trong vòng một tiếng, đàn chó được tăng cường thêm ba con chó Eskimo nữa, vị chi tổng số là chín con, và nhanh chóng, tất cả bọn chúng đều đã nai nịt đai cương và ngoặt lên con đường đi về phía hẻm núi sông Dyea. Buck hài lòng khi được lên đường, và mặc dù công việc gay go nặng nhọc, nó nhận thấy rằng nó cũng không đặc biệt khinh ghét gì loại công việc như thế này. Buck rất ngạc nhiên khi thấy bừng lên một không khí hăm hở háo hức trong cả đàn chó và sự hăm hở ấy cũng đã lây sang cả nó. Nhưng có một điều còn đáng ngạc nhiên hơn, đó là sự thay đổi ở hai con Dave và Sol-leks. Chúng đã trở thành những con chó khác hẳn, hoàn toàn biến đổi sau khi thắng bộ đai cương. Tất cả những gì là thụ động và hờ hững không còn thấy ở chúng. Chúng nhanh nhảu và lanh lợi hẳn lên, lo lắng cho công việc được chu toàn, và dễ nổi cáu một cách dữ tợn với bất kỳ cái gì trở ngại hoặc rối rắm làm chậm trễ công việc ấy. Lao động cực nhọc trong vòng dây kéo hình như là ý nghĩa tuyệt đỉnh của sự tồn tại của chúng, là tất cả lẽ sống của chúng và là điều duy nhất mà chúng ham mê.
Dave là con chó ở vị trí kéo sát xe. Kéo đằng trước nó là Buck rồi đến Sol-leks. Số còn lại buộc tiếp thành xâu dài, một hàng dọc, thẳng về phía trước cho đến con chó đầu đàn, và Spitz là con chó chiếm vị trí đầu đàn ấy.
Buck đã được đặt một cách có chủ ý vào giữa Dave và Sol-leks, để hai gã này kèm cặp cho nó. Nó là cậu học trò có năng khiếu thì chúng cũng là những ông thầy giỏi, không bao giờ cho phép nó nhùng nhằng lâu trong một cái lỗi nào đó. Bằng đôi hàm sắc nhọn, chúng đã buộc nó phải tuân theo sự dạy bảo của chúng. Dave công bằng và rất thông thạo. Gã chẳng bao giờ trị Buck một cách vô cớ, nhưng gã cũng không bao giờ bỏ qua mà không trị Buck khi cần thiết. Và vì có cái roi của François ủng hộ Dave, nên Buck thấy là thà chịu sửa mình đi thì còn lợi hơn là trả đũa lại. Có lần sau một phút tạm dừng, Buck làm rối dây kéo và gây nên chậm trễ không đi ngay được, thế là cả Dave và Sol-leks xông vào nó và đã cho nó một trận ra trò, nhưng kết cục là lại càng làm rối tung lên. Nhưng sau đó, Buck hết sức cẩn thận tránh không vướng vào dây kéo nữa; và trước khi ngày lao động kết thúc, Buck đã trở nên thành thạo đến mức các bạn nghề của nó thôi không còn rầy la nó nữa. Chiếc roi da của François quất xuống ít hơn và thậm chí Buck còn vinh dự được Perrault nâng các bàn chân lên xem xét cẩn thận.
Ngày hôm ấy là một ngày chạy cật lực, trèo qua hẻm núi, xuyên hai thị trấn nhỏ Sheep và Scales, vượt qua bìa rừng cuối cùng, qua những sông băng và những khối tuyết gió dồn dày hàng trăm bộ (foot=0,304 m), rồi leo lên ngọn đèo Chilkoot sừng sững vạch đường phân thủy chắn ngang giữa vùng nước biển và vùng nước ngọt. Nó đứng như một vị hung thần trợn trừng, hăm dọa, canh giữ miền đất phương Bắc buồn tẻ và hiu quạnh. Chiếc xe chạy khá nhanh xuống dốc dãy hồ lấp kín những miệng núi lửa đã tắt. Khuya hôm ấy, đoàn người và chó kéo vào khu trại khổng lồ ở đầu hồ Bennett, tại đây có hàng ngàn người đi tìm vàng đang đóng thuyền để dự phòng băng tan trong mùa xuân. Buck đào một lỗ trong tuyết và thiếp đi trong giấc ngủ của kẻ trải qua một cuộc thi đấu kiệt sức. Nhưng từ rất sớm, nó đã bị lôi cổ ra trong bóng đêm lạnh buốt và bị thắng vào chiếc xe trượt tuyết cùng lũ bạn của nó.
Hôm ấy, chúng chạy bốn mươi dặm, vì vệt đường đã có sẵn, băng tuyết đã được nện chặt. Nhưng ngày hôm sau và nhiều ngày tiếp sau nữa, đoàn người và chó phải tự mở đường nên làm việc mệt nhọc hơn mà lại đi chậm hơn. Theo lệ thường, Perrault dẫn đầu trước đàn chó, dùng liếp đi tuyết (snow-shoes: liếp hình giống cái vợt, khung bằng gỗ đan dây da, đeo vào đế giày để đi trên tuyết khỏi bị sụt xuống) nện chặt tuyết lại để cho chó kéo xe dễ dàng hơn. François ở vị trí điều khiển cần lái xe, thỉnh thoảng đổi chỗ cho Perrault, nhưng không thường xuyên. Perrault đang rất vội và anh lại tự hào là người thông thạo nghề băng tuyết, sự thông thạo ấy không thể thiếu được lúc này bởi vì lớp băng mùa thu rất mỏng, và ở nơi nào nước bên dưới chảy xiết thì nơi đó không đóng một tí băng nào.
Ngày lại qua ngày nối nhau bất tận, Buck lao động nhọc nhằn trong vòng đai cương. Hôm nào cũng vậy, trời còn tối mò mà đã nhổ trại, và khi tia sáng nhợt nhạt đầu tiên của buổi bình minh vừa hé ra thì đã thấy chúng đang rong ruổi trên con đường mòn, trút lại sau thêm những dặm đường mới. Và hôm nào cũng vậy, sau khi trời đã tối sập xuống mới dừng lại đóng trại, lũ chó ăn phần cá ít ỏi của mình rồi bò lê ra ngủ trong tuyết, Buck đói cào cả ruột. Phần thức ăn của nó mỗi ngày là một suất cá hồi khô nặng một pounds rưỡi, thật chẳng thấm vào đâu. Nó không bao giờ ăn đủ, thường xuyên bị cơn đói dằn vặt. Ấy thế mà các con chó kia, vì không nặng cân bằng nó và sinh ra chính là để sống cuộc sống này, nên tuy chỉ được một khẩu phần cá nặng một pounds thôi, nhưng vẫn giữ được trạng thái bình thường.
Buck nhanh chóng mất cái tính kén cá chọn canh vốn là đặc tính sinh hoạt của nó trước kia. Cu cậu khảnh ăn nên lũ bạn của nó ăn xong trước lại xông đến cướp luôn cả phần của nó đang ăn dở. Nó cũng không chống giữ được. Trong khi cu cậu đánh đuổi đi hai ba tên, thì phần thức ăn của nó lại lọt vào họng những tên khác. Để khắc phục, nó cố ăn nhanh bằng chúng. Rồi thì, vì cơn đói bức bách quá thể, nó đành hạ mình đi làm cái việc cuỗm lấy những thứ không phải của nó. Nó đã để ý theo dõi và học tập. Một hôm, nó nhìn thấy Pike, một trong những con chó mới nhập đàn - một tên láu cá thường giả ốm để trốn việc và là một tên kẻ cắp tinh quái - khôn khéo thó được một lát thịt lợn muối lúc Perrault vừa quay lưng đi. Thế là ngày hôm sau, Buck diễn ra tiết mục ấy y hết, mà lại tha đi cả khúc thịt. Tiếng la ó ầm lên, nhưng chẳng ai nghi ngờ Buck, trong khi Dub, một con chó ngờ nghệch vụng về và luôn bị bắt gặp ở nơi có chuyện, lại bị trừng trị về cái tội mà Buck đã phạm.
Vụ ăn cắp đầu tiên này là dấu hiệu chứng tỏ Buck đã thích ứng được để tồn tại trong cái môi trường thù địch của vùng đất phương Bắc này. Sự việc đó biểu hiện khả năng thích nghi của Buck, tức là nó có thể tự điều chỉnh cho hợp với những thay đổi của hoàn cảnh. Nếu thiếu khả năng ấy có nghĩa là nó rơi vào cái chết nhanh chóng và khủng khiếp. Sự việc đó lại còn biểu hiện sự suy sụp, tan nát của bản chất có đạo đức của nó, một thứ phù phiếm rỗng tuếch và một điều bất lợi trong cuộc đấu tranh sinh tồn tàn nhẫn này. Ở vùng đất phương Nam, dưới luật lệ của tình yêu và tình bạn, việc tôn trọng của cải cá nhân và cảm xúc riêng tư của kẻ khác là đúng. Nhưng ở cái vùng đất phương Bắc này, dưới luật lệ của dùi cui và răng nanh thì kẻ nào lưu tâm đến những điều đó là kẻ khờ dại, và nếu như Buck cứ tuân thủ những điều đó thì chắc hẳn Buck đã không thể thành công.
Cũng chẳng phải Buck đã suy luận ra được rành rọt như vậy. Nó đã hòa nhập được, có thế thôi. Nó đã làm cho nó thích nghi với lối sống mới, một cách không tự giác. Trong cả cuộc đời của nó trước kia, nó chưa hề chạy trốn khỏi một cuộc chiến đấu, dù cho có ở vào thế bất lợi như thế nào đi nữa. Nhưng chiếc dùi cui của người mặc áo nịt đỏ đã nện ngấm vào trong đầu nó một thứ đạo lí cơ bản hơn và nguyên thủy hơn. Lúc còn là một con vật văn minh, nó đã có thể sẵn sàng chết vì nghĩa, ví dụ như để bảo vệ cho ngọn roi điều khiển của ngài thẩm phán Miller chẳng hạn. Thế nhưng bây giờ thì Buck đã bị phi văn minh hóa trọn vẹn rồi, bởi vì rõ ràng là bây giờ nó có khả năng chạy trốn khỏi việc bảo vệ cho một đòi hỏi về đạo đức, cốt để cứu lấy sinh mạng mình đã. Nó ăn cắp không phải vì thích thú gì thói ăn cắp, mà là vì dạ dày của nó kêu gào. Nó không đánh cướp một cách lộ liễu mà xoáy trộm một cách bí mật và ranh mãnh, vì nó lưu tâm đến dùi cui và răng nanh. Nói tóm lại, những điều đó nó đã làm là bởi vì làm thì lại dễ hơn là không làm.
Sự phát triển của nó (hay có thể nói là sự "thoái hóa" của nó) diễn biến thật nhanh chóng. Những bắp thịt của nó trở nên cứng như sắt, và nó thành ra chai sạn đối với mọi nỗi đau thông thường. Nó đã tận dụng được tối đa mọi thứ, cả ở bên ngoài lẫn bên trong nó. Nó có thể ăn bất cứ cái gì dù cái đó gớm ghiếc hoặc khó tiêu đến đâu đi nữa. Và sau khi đã nuốt xuống, những dịch vị trong dạ dày nó chiết xuất ra cho đến kiệt tí chất dinh dưỡng nhỏ nhất cuối cùng. Máu của nó mang chất dinh dưỡng ấy đến tận nơi xa nhất trong cơ thể nó, cấu tạo thành những mô cứng rắn nhất, bền dai nhất. Thị lực và tài đánh hơi của nó trở nên sắc bén phi thường và tai nó trở nên thính đến nỗi trong khi ngủ nó vẫn nghe được những tiếng động nhỏ nhất và biết tiếng động ấy báo điềm lành hay dữ. Nó đã học được cách cắn vỡ lớp băng giá lạnh chặn giữa các ngón chân. Và khi nó khát, mà trên hố nước có một váng băng dày che kín, nó biết chồm thẳng mình, lên gân cứng đơ hai chân trước để đập cho vỡ mặt băng ra. Điều rõ nét nhất ở nó lúc này là cái tài đánh hơi triệu chứng gió, và dự kiến được ngọn gió trước một đêm. Dù trời lặng gió đến mấy đi nữa, khi nó đào ổ nằm cạnh gốc cây hoặc bên bờ đất, thì đến khi cơn gió nổi lên, chắc chắn là chỗ ngủ của nó đã nằm đúng ở phía dưới gió, được che kín và ấm áp.
Nhưng không phải nó chỉ hiểu biết qua kinh nghiệm, mà những bản năng tắt lịm từ lâu đời nay lại trỗi dậy, những thế hệ thuần hóa rơi rụng ra khỏi nó. Một cách mơ hồ, nó lại tận buổi sơ khai của nòi giống, nhớ lại từ cái thời những con chó hoang ào ạt từng bầy chạy lùng mồi khắp những khu rừng nguyên thủy và giết chết con mồi mà chúng đuổi đến cùng đường. Buck không phải khổ công học đánh nhau với nhưng miếng đòn cắn bập, cắn toạc và táp nhanh như chớp của chó sói. Những tổ tiên đã bị lãng quên của nó xưa kia vốn đã đánh nhau theo cách ấy. Những tổ tiên hoang dã ấy đã nhen nhóm lại bên trong nó cuộc sống cổ xưa và những mánh khóe xưa kia đã thành dấu ấn in sâu vào huyết thống di truyền của nòi giống thì nay cũng chính là những mánh khóe của bản thân nó. Những cái đó đã đến rất tự nhiên, nó chẳng phải nhọc công gắng sức học tập hoặc khám phá ra, dường như luôn luôn thuộc về nó tự bao giờ. Và mỗi khi trong bóng đêm lạnh lẽo nín lặng, nó nghếch mõm lên một vì sao mà hú dài như chó sói, thì ấy chính là tổ tiên nó, những nắm bụi tàn trong cõi chết, đã nghếch mõm lên các vì sao mà hú về qua bao nhiêu thế kỉ và qua bản thân nó. Nhịp điệu trong tiếng hú của nó cũng chính là nhịp điệu trong tiếng hú của chúng. Những nhịp điệu diễn tả nỗi niềm thống khổ của chúng và điều mà đối với chúng là ý nghĩa của tĩnh mịch, lạnh lẽo và bóng tối âm thầm.
Vậy là, như một dấu hiệu biểu hiện sự sống của một vật bị chi phối, tiếng hát từ ngàn xưa đã trỗi dậy qua bản thân Buck và nó đã trở lại với chính nó về bản chất. Nó trở lại như vậy là bởi vì con người đã tìm thấy một thứ kim loại màu vàng ở phương Bắc, và bởi vì Manuel là một gã phu vườn mà đồng lương không thể bao nổi nhu cầu của vợ cùng mọi món chi tiêu vặt vãnh của bản thân gã.
Chương 3:
Con thú nguyên thủy thống soái
Tính chất con thú nguyên thủy muốn chiếm địa vị thống soái đã trỗi dậy mạnh mẽ bên trong Buck, và dưới những điều kiện khắc nghiệt của cuộc sống trên con đường mòn vùng băng tuyết, tính chất ấy càng phát triển, phát triển lên mãi. Tuy nhiên, đó là một sự phát triển thầm kín. Sự khôn ranh mới nảy sinh ở Buck đã tạo cho nó tính đĩnh đạc và tự chủ. Nó quá bận với việc tự điều chỉnh mình cho phù hợp với cuộc sống mới nên không cảm thấy tự buông thả thoải mái được. Đặc điểm trong tư thế của nó bây giờ là một thứ tác phong thận trọng, có tính toán. Nó không dễ sa vào sự liều lĩnh và hành động hấp tấp thiếu suy nghĩ. Và trong mối căm ghét cay độc giữa nó và Spitz, nó không để lộ ra một tí nóng vội nào và lảng tránh mọi hành vi gây gổ.
Còn về phía Spitz, có thể là vì Spitz không đoán thấy ở Buck một địch thủ nguy hiểm nên hắn không bỏ lỡ một cơ hội nào mà không nhe nanh ra với Buck. Thậm chí, hắn còn trêu chọc Buck một cách vô cớ, luôn có tìm cách gây ra một cuộc đánh nhau mà kết thúc phải là cái chết của tên này hoặc của tên kia.
Ngay trong những ngày đầu của chuyến đi, đáng ra điều đó đã có thể xảy ra, nếu như không có một sự tình cờ đặc biệt làm cho vụ xung đột bị chặn đứng lại.
Buổi tối hôm đó, đoàn người và chó dừng lại nghỉ đêm ở một chỗ trống trải và tiều tụy bên bờ hồ Le Barge. Tuyết cuồn cuộn xô tới, gió rét cắt da cắt thịt như những lưỡi dao nung trắng và bóng đêm mù mịt. Tất cả những thứ đó buộc hai người phải dò dẫm tìm ngay một nơi cắm trại. Khó có ai lâm vào một tình trạng tồi tệ hơn thế nữa. Đằng sau họ là một vách đá dựng đứng nên Perrault và François buộc phải nhóm lửa và trải túi ngủ ngay trên mặt hồ đóng băng. Lều đã phải bỏ lại ở Dyea để đi đường cho gọn nhẹ, ngọn lửa bốc lên từ một vài que củi trôi dạt cóp nhặt đã nhanh chóng làm tan băng rồi tụt xuống nước tắt đi, thế là họ phải ăn trong bóng tối.
Buck đào một ổ nằm kín đáo dưới vách đá che khuất. Ổ nằm kín gió và ấm cúng đến nỗi Buck rất miễn cưỡng khi phải bỏ chỗ ra nhận phần cá mà François phân phát sau khi anh đã hơ cá trên ngọn lửa cho tan băng. Nhưng khi Buck ăn xong quay trở lại thì ổ nằm của nó đã bị chiếm mất. Nghe một tiếng gừ đe nẹt trong ổ phát ra, nó biết ngay tên xâm chiếm là Spitz. Cho đến tận lúc này, Buck đã cố tránh rắc rối với kẻ thù địch của mình, nhưng đến nước này thì thật là quá quắt. Con thú dữ bên trong Buck gầm lên. Nó nhảy xổ vào Spitz với một sự điên tiết hung tợn mà cả Spitz lẫn bản thân nó đều không ngờ tới. Đặc biệt là Spitz lại càng ngạc nhiên, bởi vì theo sự đánh giá của Spitz qua toàn bộ quá trình tiếp xúc với Buck, thì địch thủ của hắn chỉ là một con chó nhút nhát, bấy lâu nay sở dĩ đứng vững được chẳng qua là nhờ nặng cân và to xác mà thôi.
François cũng ngạc nhiên khi hai con chó loạn đả quần nhau rối mù lên từ trong chiếc hố vỡ toang vọt ra. Anh đoán được lí do xung đột. Anh kêu to lên với Buck.
- Thế! Thế! Cho hắn một trận, đồ chết tiệt! Trị cho hắn một trận, cái quân kẻ cướp đê tiện!
Spitz cũng đã sẵn sàng huyết chiến. Hắn vừa gào lên với một vẻ hết sức giận dữ và hăm hở, vừa lượn tới lượn lui để tìm cơ hội nhảy vào. Buck cũng hăm hở không kém, mà cũng thận trọng không kém, trong khi nó cũng như Spitz, lượn tới lượn lui để tìm lợi thế.
Nhưng chính lúc đó thì sự việc bất ngờ đã xảy ra. Sự việc này đã đẩy lùi cuộc huyết chiến giành quyền lực giữa hai con chó về một thời điểm khác, mãi xa về sau, tận đến khi đã vượt qua bao nhiêu dặm đường lao động rã rời nặng nhọc.
Một tiếng rủa của Perrault, tiếng đánh cốp của chiếc dùi cui quật lên một thân hình xương xẩu và một tiếng thú kêu ré đau đớn, báo hiệu một vụ hỗn loạn tột độ sắp nổ ra. Giữa khu vực cắm trại đột nhiên nhốn nháo những hình thù lông lá vừa lén lút lẩn vào - những con chó Eskimo đói ăn, có đến khoảng gần một trăm con, từ một làng người da đỏ nào đấy đánh hơi mò tới. Chúng đã lẻn vào trong lúc Buck và Spitz đang choảng nhau và khi Perrault cùng François cầm dùi cui nhảy bổ vào giữa bọn chúng thì chúng nhe răng ra chống trả. Mùi thức ăn làm chúng điên cuồng lên. Perrault bắt gặp một con rúc ngập đầu vào trong thùng đựng thực phẩm. Chiếc dùi cui của anh giáng như búa bổ xuống mạn sườn hốc hác, chiếc thùng thực phẩm đổ lật úp xuống đất. Ngay lập tức, mấy chục con vật đói ăn lăn xả vào tranh cướp đống bánh mì và thịt lợn muối. Những chiếc dùi cui quật xuống chẳng làm chúng nao núng. Chúng kêu ăng ẳng và rú lên dưới trận đòn giáng như mưa, ấy thế mà vẫn cứ điên cuồng bám chặt cho đến khi ngốn sạch mẩu vụn cuối cùng.
Trong khi đó, đàn chó kéo xe sửng sốt vừa bật dậy khỏi ổ nằm của chúng liền bị bầy thú kẻ cướp tấn công ngay. Buck chưa bao giờ nhìn thấy những con chó như vậy. Trông cứ như là xương của chúng sắp bật tung ra khỏi da. Chúng chỉ là những bộ hài cốt lùng thùng bọc trong những tấm bì lôi thôi lếch thếch, với những con mắt rực cháy và những hàng nanh ngập nước dãi. Nhưng cơn điên dại vì đói đã làm chúng trở nên kinh khủng, không ai cưỡng nổi. Chẳng có cách gì chống lại chúng. Lũ chó kéo xe bị đẩy dồn vào chân vách đá, ngay từ đầu Buck bị ba con chó Eskimo bao vây. Trong nháy mắt, đầu và vai Buck bị cắn xé rách toạc ra nhiều chỗ. Tiếng kêu thét náo động khủng khiếp. Billee, như thường lệ, kêu rên ầm lên. Dave và Sol-leks, đầm đìa máu vì hàng chục vết thương, sát cánh bên nhau dũng cảm chiến đấu. Gió táp lia lịa như điên như cuồng. Một cái táp của nó bập vào chân trước một con chó Eskimo và cắn ngập vào nghiến cho xương gẫy đánh rắc. Lập tức Pike, con chó láu cá, nhảy xổ vào con vật bị què và bằng một cái táp nhanh, một cái giật mạnh đột ngột đã cắn gẫy cổ đối thủ. Buck chộp được họng một tên địch đang lồng lộn sùi bọt mép, cắn ngập vào mạch máu ở cổ hắn, làm máu phun ra đầy mình Buck. Vị máu ấm túa ra trong mồm nó, kích thích nó trở nên hung tợn hơn. Nó lao mình vào một địch thủ khác. Vừa lúc đó, bỗng nhiên nó cảm thấy một hàm răng cắn ngập vào họng mình. Đó là Spitz, quân phản bội, từ một bầy nhảy xổ vào cắn trộm nó.
Perrault và François sau khi đã quét sạch lũ chó kẻ cướp khỏi chỗ của họ liền hối hả chạy ra cứu đàn chó của mình. Làn sóng những con vật đói ăn điên cuồng phải cuốn lui trước sự tấn công của hai người và Buck vùng ra thoát được. Nhưng chỉ được một lát thôi, hai người buộc phải chạy lui về để bảo vệ lấy thực phẩm, thế là bầy chó Eskimo lại quay lại xông vào lũ chó kéo xe. Billee, hoảng quá hóa liều, vọt bừa qua vòng vây của những con thú man rợ và phóng qua bãi băng tuyết bỏ chạy. Pike và Dub nối theo gót Billee, tiếp theo sau chúng là những con chó khác trong đàn. Buck đang nhún mình chuẩn bị vọt theo chúng thì bỗng qua khóe mắt, nó nhác thấy Spitz đang lao đến nó với ý định rõ ràng muốn hất nó ngã ngửa. Một khi đã ngã hẫng chân lên, dưới cả đống chó Eskimo thì không còn hi vọng gì nữa. Nhưng Buck đã dốc hết sức mình trụ lại được dưới cái húc mạnh của Spitz, rồi nối theo đàn bỏ chạy trên mặt hồ.
Một lát sau, chín con chó trong đàn túm lại với nhau và tìm chỗ ẩn náu trong rừng. Mặc dù không bị đuổi theo, song tình trạng của chúng thật là khốn khổ. Không con nào không bị đến bốn hoặc năm vết thương trên mình, một số con bị thương nặng. Dub bị thương trầm trọng một chân sau. Dolly, con chó Eskimo cuối cùng nhập đàn tại Dyea, bị rách toạc họng. Joe mất một con mắt. Con Billee, con chó lành nết thì một tai bị nhay xé rách như xơ mướp, kêu la rên rỉ suốt đêm. Trời vừa sáng, chúng khập khểnh lê trở về nơi đóng trại, vừa đi vừa coi chừng. Về đến nơi thì thấy bầy kẻ cướp đã đi hết, còn hai ông chủ thì mặt đang nhăn như bị. Có đến một nửa số thức ăn của họ đã đi tong. Lũ chó Eskimo đã nhai nghiến cả những dây da buộc xe và những tấm bạt. Thực tế là không có cái gì thoát khỏi hàm răng chúng, dù có khó xơi đến đâu đi nữa. Chúng đã ngốn mất một đôi giày da nai của Perrault, nhiều khúc dây kéo và đai cương, thậm chí cả một đoạn dài đến hai bộ ở sợi dây gắn đầu chiếc roi của François.
François đang ủ ê nhìn ngắm chiếc roi thì đàn chó bị thương trở về. Anh quay sang xem xét chúng. Giọng anh dịu dàng:
- Chao ôi! Các bạn thân mến! Bao nhiêu là vết cắn thế này, chắc làm các bạn phát điên mất thôi. Thành chó dại cả mất thôi, trời đất quỷ thần ơi! Ê, Perrault, cậu nghĩ sao?
Người giao liên lắc đầu không muốn tin vào điều đó. Trước mắt còn những bốn trăm dặm đường từ đây đến Dawson, anh ta khó mà có thể chịu được cái tai họa cơn dại đổ ra trong đàn chó của anh ta.
Phải hai tiếng đồng hồ vừa nguyền rủa, vừa ráng sức mới buộc xong đai cương đâu vào đấy, đàn chó bị thương trở nên cứng đơ, lóng cóng lại lên đường, đau đớn vật lộn với đoạn đường gian nan nhất từ trước đến nay chúng chưa hề gặp phải, và cũng là đoạn đường gian nan nhất từ đây đến Dawson.
Phía trước, con sông "Ba Mươi Dặm" mở rộng. Dòng nước ngỗ ngược của nó bất chấp sức mạnh của đông giá. Chỉ ở những chỗ xoáy nước và những nơi yên lặng mới có băng đông lại. Để vượt qua ba chục dặm đường ghê gớm ấy, cần phải sáu ngày lao khổ đến kiệt sức. Những dặm đường quả là ghê gớm, bởi vì mỗi bước tiến lên phía trước là mỗi bước liều mạng của người và chó. Perrault đi đầu dò đường, đã hàng chục lần sụt cả người xuống vì mặt băng mỏng bị vỡ. Anh thoát nạn được là nhờ có chiếc gậy dài cầm ngang, mỗi khi người anh sụt xuống phá thành cái hồ giữa mặt băng thì chiếc gậy giữ ngang miệng hố giữ anh lại. Trời đang rét kinh người, hàn thử biểu chỉ âm năm mươi độ (Độ Fahrenheit (độ F): -50 ℉ là ứng với âm bốn mươi sáu độ Celsius (-46℃), nên sau mỗi lần anh sụt xuống như vậy thì anh lại buộc phải nhóm lên đống lửa để cứu sống lấy sinh mạng mình và hơ cho khô quần áo, giày tất.
Nhưng không có gì làm thoái chí anh cả. Ấy cũng chính vì không có gì làm thoái chí được nên người ta mới chọn anh làm giao liên cho chính phủ. Anh dám dùng mọi cách mạo hiểm, kiên quyết vươn cái khuôn mặt bé nhỏ khô quắt của mình xốc tới giữa đông giá và quần quật vật lộn suốt từ mờ sáng đến tối mịt. Anh đi men theo những rìa sông buồn thảm trên một dài băng viền bờ, mặt băng võng xuống và kêu răng rắc dưới bàn chân, khiến họ không dám dừng lại. Một lần, chiếc xe sụt thõm xuống cùng với Dave và Buck, chúng như bị ướp đông hẳn lại, và lúc được kéo lên thì gần chết đuối. Họ lại phải nhóm lên đống lửa mới cứu sống được chúng. Băng đóng chặt thành lớp cứng quanh thân chúng và hai người phải lia lịa đảo chúng quanh ngọn lửa, cho chảy nước và tan băng ra, sát lửa đến nỗi lông chúng bị cháy xém.
Một lần khác, Spitz sụt xuống, kéo theo toàn bộ đàn chó cho đến tận Buck. Buck dốc toàn lực trụ lại, ráng sức kéo về đằng sau, hai chân trước đạp trên mép băng trơn tuột, mặt băng bốn phía chung quanh run lên và phát ra tiếng nứt rạn. Nhưng đằng sau nó còn có Dave, cũng ráng sức kéo lui, và đằng sau chiếc xe trượt là François cật lực kéo đến mức gân cốt anh kêu răng rắc.
Dải băng hẹp lại bị vỡ thêm cả đằng trước và đằng sau, và không còn lối thoát nào khác ngoài cái chỏm vách đá cheo leo ven bờ.
Ôi, kì diệu làm sao, Perrault đã leo lên được cái vách đá ấy, trong khi François đang cầu nguyện để có được chính điều kì diệu đó. Và thế là, với mọi thứ dây dải buộc xe cùng đai cương nhặt nhạnh đến mẩu cuối cùng góp lại buộc thành một sợi dây dài, họ kéo bổng lũ chó, con này đến con khác, lên đến chỏm vách đá. François lên cuối cùng, sau chiếc xe trượt và các thứ chở trên xe. Rồi lại đến việc tìm một chỗ để tụt xuống và họ xuống cũng bằng sợi dây ấy. Khi họ trở xuống trên mặt sông thì đêm đã sập xuống, với kết quả công lao của cả một ngày chỉ đi được vẻn vẹn có một phần tư dặm.
Khi cả đoàn đến sông Hootalinqua và gặp được mặt băng rắn chắc thì Buck đã mệt lả. Những con chó khác cũng vậy. Nhưng Perrault, để tranh thủ bù lại thời gian bị mất, thúc ép chúng đi sớm và nghỉ muộn. Ngày đầu chúng chạy suốt ba mươi lăm dặm cho đến trạm "Cá Hồi Lớn", hôm sau thêm ba mươi lăm dặm nữa đến trạm "Cá Hồi Nhỏ", và ngày thứ ba chạy bốn mươi dặm, đến tận trạm "Sao Biển".
Chân Buck không cứng rắn và dạn dày bằng chân của lũ chó Eskimo. Chân nó đã mềm yếu đi nhiều qua bao nhiêu thế hệ kể từ cái ngày kẻ tổ tiên hoang dã cuối cùng của nó bị con người nguyên thủy ở hang hoặc ở ven sông bắt về thuần dưỡng. Suốt ngày, nó đau đớn khập khiễng và mỗi lần cắm trại xong là nó nằm im lìm như xác chết. Đói hết sức nhưng nó không thể dậy để nhận phần cá của nó và François phải mang đến cho nó. Anh chàng lái xe chó lại còn xoa bóp chân cho Buck mỗi đêm nửa tiếng đồng hồ sau bữa ăn tối và hy sinh lớp trên đôi giày của anh để khâu bốn chiếc giày cho Buck. Những chiếc giày này giảm nhẹ đau đớn đi rất nhiều. Một buổi sáng, François quên đeo giày cho Buck, Buck đã làm cho bộ mặt héo quắt của Perrault cũng phải xệch ra thành một nụ cười nhăn nhở khi Perrault thấy Buck nằm ngửa ra, bốn chân huơ trong không khí với dáng điệu van lơn, cứ nằm y ra không chịu dậy nếu không được mang giày. Nhưng về sau, chân của Buck dày dạn dần lên, chịu đựng được con đường gian khổ và mấy cái bao chân mòn rách bị vứt đi.
Một buổi sáng, trên dòng sông Pelly, trong khi đàn chó đang được thắng đai cương thì Dolly, con chó từ trước đến nay không có điều gì khiến người ta để ý đến, đột nhiên phát dại. Cơn dại được báo hiệu bằng một tiếng tru như tiếng chó sói, dài và ghê rợn, làm cho mọi con chó khác hoảng sợ lông dựng đứng cả lên. Và sau tiếng tru, nó nhảy bổ vào Buck. Buck chưa bao giờ thấy một con chó phát dại, mà cũng chẳng có lý do gì khiến cho nó sợ bệnh dại. Nhưng nó nhận biết được đấy là một cái gì khủng khiếp và nó hoảng hốt bỏ chạy. Thẳng tới phía trước, nó phóng cật lực. Dolly hổn hển và sùi bọt mép, bám riết đằng sau, chỉ cách một bước. Dolly không thể đuổi kịp, bởi nỗi ghê sợ của Buck lên đến cực độ, mà Buck cũng không bứt ra được, bởi cơn dại của Dolly cũng lên đến cực độ, Buck lao xuyên qua khu rừng trên cù lao, phóng xuống bờ thấp, vượt qua một con kênh phủ băng lởm chởm để chạy lên một cù lao khác, rồi băng qua một cù lao thứ ba, vòng trở lại dòng sông chính và bắt đầu vượt qua dòng sông trong tình trạng tuyệt vọng. Và mặc dù Buck không nhìn thấy, lúc nào Buck cũng có thể nghe thấy Dolly gầm gừ chỉ sau nó một bước. Cách Buck một phần tư dặm, François cất tiếng gọi nó nên nó rẽ ngoặt lại, vẫn luôn bị Dolly bám theo cách một bước, đau đớn thở dốc và đặt tất cả hy vọng vào bàn tay François cứu nó. Anh chàng đánh xe chó lăm lăm chiếc rìu trong tay chờ sẵn, và khi Buck vừa vút qua khỏi thì chiếc rìu lập tức bổ xuống đầu con chó dại Dolly.
Buck lảo đảo bước lại phía trước chiếc xe trượt, kiệt sức, thở dốc và không đứng vững được nữa. Thời cơ của Spitz đây rồi. Hắn nhảy sổ vào Buck và hai lần hàm răng của hắn cắn ngập vào kẻ đối thủ không chống đỡ gì rồi nhay, rồi xé rách toạc thịt ra đến tận xương. Nhưng chiếc roi của François đã giáng xuống và Buck hài lòng đứng xem Spitz nhận một trận đòn trừng phạt dữ dội chưa từng thấy đối với bất kỳ một con chó nào trong đàn.
- Một con quỷ dữ, cái còn Spitz ấy. - Perrault nhận xét - Mẹ kiếp, một ngày nào đó nó giết chết con Buck mất thôi!
François đáp ngay:
- Ấy, con Buck thì lại bằng hai con quỷ dữ. Tớ theo dõi suốt con Buck nên tớ biết dám chắc. Tớ nói cho mà nghe, rồi có ngày, mẹ kiếp, nó sẽ phát điên lên kinh khủng, rồi nó sẽ nhai nghiến gọn còn Spitz đó, rồi nó khạc xương con Spitz ra giữa tuyết cho mà xem. Chắc chắn không sai đâu, tớ biết.
Kể từ lúc ấy, hai con chó là một cuộc sống mái. Spitz, con chó đầu đàn, kẻ chỉ huy được thừa nhận của đoàn chó, cảm thấy quyền lực tối cao của mình bị con chó kỳ lạ của đất phương Nam kia đe dọa. Mà đối với hắn, Buck kỳ lạ thật, bởi vì trong số những con chó phương Nam mà hắn đã gặp, không có con nào tỏ ra có thể làm nên trò trống gì tại nơi đóng trại và trên đường kéo xe. Tất cả bọn chúng đều quá mềm yếu, chết gục vì lao động cực nhọc, vì băng giá và vì đói. Buck là một trường hợp ngoại lệ. Chỉ một mình nó chịu đựng được mà lại còn phát triển lên, sánh được với lũ chó Eskimo về sức mạnh, tính man rợ và sự khôn lanh. Hơn nữa, nó lại là con chó ham muốn quyền thế, và điều làm cho nó trở thành nguy hiểm là chiếc dùi cui của người mặc áo nịt đỏ đã quật cho tiêu tan hết những gì là gan liều mù quáng và hấp tấp vội vàng ra khỏi khát vọng quyền lực của nó. Nó đã khôn ranh lên một cách khác thường và sẵn sàng chờ đợi thời cơ với một sự kiên nhẫn mang một tính chất không có gì khác hơn là tính nguyên thủy. Cuộc xung đột để tranh giành quyền lực nhất định sẽ nổ ra, không thể tránh khỏi. Buck muốn như vậy. Nó muốn như vậy bởi vì đó là bản chất vốn có của nó, và cũng bởi vì nó đã bị hút chặt vào cái niềm tự hào vô danh và thật là khó hiểu ấy về lao động trên vệt đường mòn - cái niềm tự hào đã giữ riết lũ chó trong công việc lao khổ nhọc nhằn cho đến hơi thở hắt cuối cùng, đã cám dỗ chúng đến mức chúng sẵn sàng chết hân hoan trong vòng đai cương và chúng sẽ đau buồn như xé ruột nếu bị dứt ra khỏi đai cương ấy. Đó là niềm tự hào của Dave khi đảm nhận vị trí kéo sát trước xe, của Sol-leks khi ra sức kéo cật lực; niềm tự hào đã cuốn hút lấy chúng mỗi khi nhổ trại, biến đổi chúng từ những con thú cáu bẩn và ủ rũ trở thành những sinh vật nỗ lực, hăm hở, đầy khát vọng; niềm tự hào đã liên tục kích thích chúng suốt ngày dài nhưng rồi lại bỏ rơi chúng vào lúc cắm trại ban đêm, để chúng rơi trở lại vào trong tâm trạng bồn chồn và bất mãn u sầu. Đó là niềm tự hào đã giữ vững khí thế của Spitz và thúc hắn nhảy vào trị những con chó mắc sai lầm và trốn tránh công việc trong vòng dây kéo hoặc lẩn trốn khi đến giờ thắng đai cương buổi sáng. Cũng chính niềm tự hào đó đã khiến hắn sợ Buck sẽ có thể giành mất địa vị con chó đầu đàn. Và đó cũng là niềm tự hào của cả Buck nữa.
Buck công khai đe dọa quyền chỉ huy của Spitz. Nó xông vào giữa Spitz và những con chó trốn việc đáng ra phải bị Spitz trừng trị. Và Buck chủ tâm làm như vậy. Một đêm nọ, tuyết rơi tầm tã, và sáng ra thì Pike, con chó hay giả ốm để trốn việc, biến đi đâu mất. Một lớp tuyết dày đến một bộ đã phủ lên ổ nằm của nó, che giấu nó hoàn toàn kín đáo. François gọi nó và đi tìm mãi nhưng chịu không phát hiện ra. Spitz thì tức giận điên cuồng. Hắn hung tợn lồng lộn khắp khu đóng trại, đánh hơi và đào bới bất kỳ chỗ nào đáng ngờ, gầm rít khủng khiếp đến nỗi Pike trong chỗ ẩn náu của mình cũng nghe thấy mà run sợ.
Nhưng rồi cuối cùng, Pike cũng bị phát hiện. Khi nó vừa bị lôi cổ lên, Spitz xông ngay vào để trừng trị nó thì Buck cũng lập tức nhảy bổ tới, cũng hung tợn chẳng kém, lao ngang vào giữa hai con chó. Động tác của nó quá bất ngờ và khéo tính toán đến nỗi Spitz bị hất lật nhào về đằng sau hẫng cả chân lên. Pike, vừa nãy còn đang hèn nhát run sợ, bây giờ nhờ sự nổi dậy chống đối ra mặt đó của Buck nên lấy lại được can đảm, nhảy xổ vào kẻ chỉ huy đã bị lật đổ. Đối với Buck lúc này, lối chơi ngay thẳng là một luật lệ đã bị bỏ qua rồi, nên Buck cũng nhảy xổ vào Spitz. Trước cảnh tượng đó, François khoái trá cười thầm trong bụng nhưng đồng thời vẫn kiên định trước sau như một trong việc thi hành công lý, nên anh dốc toàn lực vụt sợi roi da xuống Buck. Nhưng sợi dây không đuổi được Buck ra khỏi địch thủ của nó đang sóng soài trên mặt đất, nên anh phải trở đầu cán roi mà quật. Phải một đòn choáng váng, Buck bị đánh bật lùi về phía sau và chiếc dây da hoặc đầu roi giáng xuống nó tới tấp, trong khi Spitz trừng trị đích đáng tên Pike đã nhiều lần lếu láo.
Những ngày tiếp sau, trong khi đi dần tới Dawson, Buck vẫn tiếp tục xen vào giữa Spitz và những con chó phạm lỗi, nhưng nó láu cá, chỉ làm điều đó khi François không có mặt ở quanh đấy. Với sự nổi loạn kín đáo đó của Buck nên đã xảy ra tình trạng là nói chung lũ chó không chịu phục tùng nữa và tình trạng ấy cứ nghiêm trọng dần lên. Dave và Sol-leks không chịu ảnh hưởng gì, nhưng những con chó khác thì càng ngày càng tệ hơn. Mọi việc không còn trôi chảy nữa. Chúng liên tục cắn cấu nhau và vặc nhau om sòm. Những vụ rắc rối luôn luôn diễn ra, mà đầu trò là Buck. Nó làm cho François phải bận tâm suốt, vì anh chàng đánh xe chó thường xuyên e sợ cuộc chiến đấu một mất một còn giữa hai con chó mà anh biết sớm muộn thế nào cũng xảy ra; và đã nhiều lần, ban đêm đang ngủ anh phải tung chăn dậy khi nghe tiếng chó gây gổ và cắn lộn nhau, anh sợ Buck và Spitz lại dính dáng vào đấy.
Nhưng cơ hội chưa đến, và một buổi chiều ảm đạm, đoàn người và chó kéo vào Dawson, trận sống mái vẫn còn gác lại đấy. Thị trấn Dawson đông nghịt người, và chó nhiều vô kể. Buck thấy con nào cũng đang làm việc. Hình như trật tự của vạn vật đã quy định là chó cũng phải làm việc. Suốt ngày chúng nối nhau đi từng xâu dài vòng lên rồi lại vòng xuống dọc ven đường chính của thị trấn, và ban đêm những chiếc nhạc đeo cổ chúng vẫn leng keng đi qua trên đường. Chúng kéo xe chở gỗ súc làm nhà và chở củi, vận chuyển hàng lên mỏ và làm mọi thứ việc mà ngựa phải làm ở thung lũng Santa Clara. Đây đó, Buck chỉ gặp vài con chó của vùng đất phương Nam, còn đa số bọn chúng là chó Eskimo thuộc nòi sói hoang. Hôm nào cũng vậy, theo một nếp đều đặn, cứ đến chín giờ tối, mười hai giờ khuya và ba giờ sáng, chúng lại cất tiếng hát ban đêm, một bài ca huyền bí và rờn rợn, trong đó có cả giọng của Buck hòa theo đầy cảm khoái.
Với ánh hồng Bắc Cực tỏa sáng lạnh ngắt trên đầu, hoặc dưới những ngôi sao rập rình trong điệu nhảy giữa băng giá, trên vùng đất chết lặng và lạnh cứng trùm tấm vải liệm bằng tuyết bao la, tiếng hát ấy của lũ chó Eskimo đáng ra phải là tiếng thách thức của sự sống, nhưng chỉ có điều là nó được lấy giọng theo điệu thứ, với những âm thanh rền rĩ kéo dài và những tiếng thổn thức nấc nghẹn nên lại nghe như tiếng nài xin của sự sống, là tiếng rên đau của sinh mệnh bị đọa đầy, nói vậy thì có lẽ đúng hơn. Đó là một tiếng hát cổ xưa, cổ xưa như chính bản thân giống nòi của chúng - một trong những tiếng hát đầu tiên của thế giới man sơ, vào cái thời mà những tiếng hát hãy còn buồn bã. Nó chứa đựng nỗi thống khổ của xiết bao thế hệ, cái tiếng than vãn não nùng đã kích động Buck một cách kì lạ. Khi Buck cất tiếng ai oán và thổn thức, thì ấy là lúc nó mang trong mình nỗi đau của sự sống đã từng là nỗi đau của những tổ tiên hoang dã của nó xưa kia, cùng nỗi lo sợ và điều huyền bí đối với tổ tiên nó. Và cái điều khiến Buck bị kích động vì tiếng kêu than kia là là dấu hiệu chứng tỏ Buck đã quay lui hẳn lại, lùi qua các thời kỳ mà sự sống đã có bếp lửa và mái nhà, để trọn vẹn trở về với buổi ban đầu thô sơ của sự sống giữa thời của tiếng hú rầu rĩ xa xưa.
Bảy ngày sau khi vào Dawson, đoàn người và chó lại ra đi, tụt xuống theo bờ dốc bên rặng Barracks chạy về sông Yukon, rồi kéo về phía sông Dyea và thành Salt Water. Perrault đang mang theo những công văn giấy tờ có thể còn khẩn hơn cả những thứ anh đã mang đến Dawson. Hơn nữa, niềm tự hào của cuộc hành trình cuốn hút lấy anh và anh có ý định thực hiện một chuyến đi kỉ lục trong năm ấy. Lần này anh gặp một số thuận lợi. Nhờ một tuần nghỉ ngơi, sức khỏe đàn chó đã hồi phục và chúng đã hoàn toàn sung sức. Đường mòn trên băng mà họ tự mở ra để đi vào đây hôm trước đã được nện cứng lại dưới bước chân những kẻ đi sau. Thêm nữa, cảnh sát đã bố trí ở vài ba địa điểm dọc đường những kho chứa thức ăn cho người và chó, nhờ vậy kẻ đi đường được gọn nhẹ.
Ngày đầu, họ đi đến tận pháo đài "Sáu Mươi Dặm", nghĩa là chạy được một thôi dài năm mươi dặm. Ngày thứ hai, họ tăng vọt tốc độ ngược dòng Yukon chạy băng băng thuận đường thẳng tới sông Pelly. Nhưng chẳng phải là họ đã ngon ơ đạt được chuyến chạy nhanh tuyệt đẹp như vậy mà không có điều gì khó nhọc và bực mình cho François cả đâu! Cuộc nổi loạn âm ỉ do Buck cầm đầu đã phá vỡ khối thống nhất của đàn chó.
Trong vòng dây kéo, chúng không còn như trước nữa. Sự cổ vũ của Buck đã khiến những con chó làm loạn phạm vào đủ mọi thứ tội lặt vặt. Spitz không còn là một vị chỉ huy được kinh sợ nhất mực nữa. Nỗi sợ hãi trước kia đã bay biến và chúng đủ khả năng thách thức quyền lực của Spitz. Một đêm nọ, Pike đoạt của hắn nửa con cá và nuốt trôi, dưới sự bảo vệ của Buck. Một đêm khác, Dub cùng với Jeo đánh bại Spitz và làm Spitz phải chịu từ bỏ không thi hành được đòn trừng phạt mà chúng đáng phải chịu. Ngay cả Billee, con chó lành nết, cũng bớt lành đi, và có rên rỉ thì cũng không rên rỉ xoa dịu như những ngày trước nữa. Buck không bao giờ đến gần Spitz mà không gầm gừ và dựng đứng lông lên đầy vẻ đe dọa. Quả là thái độ cư xử của Buck giống thái độ của một tên du côn, và nó có thói quen nghênh ngang lượn lui lượn tới ngay trước mũi Spitz.
Sự sụp đổ kỉ luật ảnh hưởng cả đến quan hệ giữa những con chó khác với nhau. Chúng gây gổ và cắn cấu lẫn nhau nhiều hơn bao giờ hết, đến mức đôi lúc cả khu vực cắm trại rộ lên tiếng rú rít hỗn loạn ầm ĩ. Chỉ riêng Dave và Sol-leks là không thay đổi gì, mặc dù những cuộc xung đột liên tiếp diễn ra xung quanh làm chúng phát cáu lên. François gào lên những tiếng nguyền rủa hung tợn kỳ lạ, giậm chân bứt tóc điên tiết mà không làm gì được. Sợi roi da của anh liên tục vun vút quất vào giữa đàn chó nhưng chẳng có hiệu lực gì mấy. Anh vừa quay lưng đi là đâu lại vào đấy. Chiếc roi của anh ủng hộ Spitz, còn Buck thì lại ủng hộ những con chó còn lại. François biết Buck là tên đầu sỏ đứng đằng sau mọi sự rối loạn và Buck cũng rõ là anh biết. Nhưng Buck khôn ranh ma mãnh lắm rồi, đừng hòng bắt quả tang nó một lần nào nữa. Trong vòng đai cương, nó làm việc thật tận tụy, bởi công việc nhọc nhằn cũng đã trở thành một điều thích thú đối với nó. Thế nhưng tẩm ngẩm tầm ngầm gây ra một vụ đánh nhau giữa các bạn nó và làm rối tung cả dây kéo lên là một điều còn thích thú hơn đối với nó.
Tại cửa sông Tahkeena, một đêm nọ sau bữa ăn tối, Dub sục ra được một con thỏ Bắc Cực, nhưng vụng về vồ trượt. Trong nháy mắt, toàn bộ đàn chó hò hét đuổi theo. Cách đó một trăm mã (yard= 0,914m) là một khu trại của Cảnh sát Tây Bắc, có năm mươi con chó, toàn chó Eskimo, lúc này cũng ào đến tham gia cuộc săn đuổi. Con thỏ phóng nhanh xuống dòng sông, ngoặt vào một nhánh sông nhỏ và ngược nhánh sông đóng băng vững bước lao tới. Nó lướt nhẹ nhàng trên mặt tuyết, trong khi lũ chó hùng hậu sáu chục con, quàng từ khúc sông này sang khúc sông nọ, nhưng không thể nào đuổi kịp. Buck rạp mình xuống chạy, rít lên háo hức, khối thân hình tuyệt đẹp của nó vun vút phóng tới, bước này tiếp bước khác, dưới ánh trăng nhợt nhạt. Và cũng bước này tiếp bước khác, như một mảnh hồn ma băng giá tái mét, con thỏ vun vút lao lên phía trước.
Tất cả những gì đã kích động những bản năng cổ xưa trỗi dậy, sự kích động để thúc đẩy con người trong từng thời kỳ nhất định, vọt ra khỏi những thành phố vang động để vào rừng hoặc ra đồng tìm giết các thú vật bằng những viên đạn chỉ do hóa chất đẩy đi. Sự thèm khát máu tươi, niềm vui của giết chóc - tất cả mọi kích động ấy cũng đang xô đẩy Buck, chỉ có điều là những cái đó lại càng vô cùng gắn bó hơn bên trong bản chất của Buck. Nó đang dẫn đầu bầy chó chạy săn mồi, đuổi cho đến cùng đường sự sống hoang dã kia. Sự sống ấy là miếng thịt ăn, để giết bằng đôi hàm răng của chính nó, để tắm cả mõm và ngập cho đến tận mắt vào trong dòng máu nóng.
Một sự đê mê ngây ngất biểu thị điểm tuyệt đỉnh của sự sống, bên trên điểm tuyệt đỉnh ấy, sự sống không còn dâng lên được nữa. Nghịch lý của sự sống là như vậy đó, sự đê mê ngây ngất ấy xuất hiện lúc mình đang sống mãnh liệt nhất, ấy thế mà nó xuất hiện như một trạng thái quên đứt đi là mình đang sống. Sự đê mê ngây ngất ấy, trạng thái quên rằng mình đang sống ấy đã xuất hiện ở người nghệ sĩ, chiếm lĩnh lấy anh, lôi anh thoát khỏi bản thân mình theo luồng lửa tâm hồn phụt ra rực cháy. Nó xuất hiện ở người lính cố thủ trên trận địa bị tấn công, sôi máu chiến đấu cho đến phút chót, quyết không hạ súng đầu hàng. Và đây, nó đã xuất hiện ở Buck đang dẫn đầu bầy chó, thét vang tiếng hò hét tự ngàn xưa của sói hoang, ra sức rượt theo miếng thức ăn, cũng là một sự sống, đang xuyên qua ánh trăng chạy trốn vùn vụt trước mặt. Buck đang thét lên những tiếng tự đáy sâu của bản chất nó và của những phần nào đó trong bản chất còn sâu hơn cả cuộc đời bản thân nó. Buck đang quay ngược lại, lùi trở vào cõi phôi thai của Thời Gian. Nó đang bị cuốn đi giữa đợt sóng cồn của sự sống, theo ngọn triều dâng của cõi sinh tồn, trong mọi thứ không phải là cái chết, mà là sức sống đang tỏa ánh chói lòa và bùng lên mạnh mẽ, thể hiện thành chuyển động, hân hoan tung cánh bay dưới những vì sao và trên bề mặt của vật chất chết lặng không hề động đậy.
Nhưng con Spitz lại bình tĩnh đến lạnh lùng và có tính toán ngay cả khí tâm thần bị kích động đến cực điểm. Hắn tách ra khỏi bầy và chạy tắt ngang một dải đất hẹp nơi nhánh sông nhỏ lượn quanh thành một vòng cung rộng. Buck không hay biết điều đó,
Còn tiếp ~~~