Thứ Ba, 16 tháng 4, 2024

Mirai đến từ tương lai

 MIRAI ĐẾN TỪ TƯƠNG LAI

Tác giả: Mamoru Hosoda

Dịch giả: Đỗ Nguyên

Nhà phát hành: IPM


GIỚI THIỆU

    Căn nhà nho nhỏ có một khu vườn be bé, trồng một cái cây con. Một ngày nọ, em gái vừa chào đời đến với cậu bén Kun ưa được nuông chiều. Từ đó, cậu toàn gặp phải những nỗi hoang mang, sợ bị cướp đi tình yêu thương của bố mẹ. Giữa lúc ấy, bé Kun tình cờ gặp được em gái Mirai tới từ tương lai. Theo chỉ dẫn của cô bé, cậu dấn thân vào cuộc phiêu lưu vượt thời gian. Người đàn ông bí ẩn tự xưng là một chàng hoàng tử thời xưa, mẹ của những ngày còn thơ, ông cố thời trai trẻ. Những cuộc gặp gỡ kia rốt cuộc sẽ dẫn bé Kun tới nơi nào đây? Nguyên tác tiểu thuyết do chính tay Mamoru Hosoda chấp bút!




MỞ ĐẦU

    Cách đây không lâu, ở quận Isogo (thuộc thành phố Yokohama cách Tokyo chừng 45km), có một khách sạn tên là Yokohama Prince nằm trên đồi cao, gần đấy có những con tàu E209 (dòng tàu điện động lực phân tán 'Electric Multiple Unit/ EMU, không đầu máy, gồm nhiều toa tự hành, chạy bằng điện' do công ty Đường sắt Đông Nhật Bản vận hành từ năm 1993) sọc xanh nước biển chạy lạch cạch dọc tuyến đường sắt Negishi. Từ giao lộ Sugita theo quốc lộ 16 xuôi xuống phía Nam, chạy ngang tòa nhà của Viện Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Biển - Trái đất, lên dốc núi Aoto, đi một quãng tới sườn dốc phía Nam thì sẽ bắt gặp những dinh thự khang trang đứng chen vai thích cánh. Nằm lọt thỏm giữa những dinh thự đó là một khoảng đất xinh xinh, trên đất dựng nếp nhà nho nhỏ kèm mảnh vườn be bé trồng cái cây con con.

    Ngày nọ, một cặp vợ chồng son ghé thăm nơi đây. Vừa thấy nếp nhà nhỏ với mảnh vườn bé cùng cái cây con, họ ưng ngay. Nhà nhỏ nhưng đủ cho hai người ở, giá lại rẻ do nằm trên dải đất nghiêng. Họ nhanh chóng ký hợp đồng rồi nhờ nhân viên bất động sản chụp cho tấm ảnh hai vợ chồng đứng trước cái cây trong vườn.

    Anh chồng lái chiếc Volvo 240 đỏ cùng vợ chở đồ đạc tới nơi, bắt đầu cuộc sống mới. Hằng ngày đều phải làm việc trong trung tâm thành phố đến tận tối muộn nên hai vợ chồng đều trân trọng những ngày thư thả nghỉ ngơi ở nhà. Họ dành thời gian đọc sách, nghe nhạc hoặc nấu những món ăn đôi chút cầu kì. Đôi khi họ không làm gì, chỉ ở bên nhau say giấc nồng tới chiều tà.

    Chị vợ làm việc cho một nhà xuất bản tổng hợp, là mẫu người nghiêm túc cần mẫn, có tinh thần trách nhiệm cao và theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Ở chị hội đủ các phẩm chất cần có để làm ra những cuốn sách hay. Mặt khác ra chị rất nhạy cảm, cộng thêm tính hay lo nên luôn để ý tới đánh giá của người khác. Chị thường rơi vào vòng luẩn quẩn là ngay cả khi được khen thì vẫn nhìn nhận theo hướng tiêu cực rồi băn khoăn, cố gắng quá mức cần thiết để cứu vãn tình hình, cuối cùng kiệt sức. Tuy nhiên, những người xung quanh lại ngưỡng mộ chủ nghĩa hoàn hảo ở chị và liên tục dựa dẫm, ỷ lại, khiến chị cũng khó nhận ra bản tính nhạy cảm của mình.

    Anh chồng làm việc cho một công ty kiến trúc lại là mẫu người có máu nghệ sĩ, thích gì làm nấy. Vốn thích một mình, anh là người độc lập, đủ kiên định để không dễ xuôi theo ý kiến người đời. Nói khó nghe là ngoan cố, không biết lắng nghe, hơi u lì, chẳng quan tâm gì khác ngoài những điều mình thấy hứng thú, thiếu tinh thần hợp tác, không để ý đến cảm xúc của người xung quanh. Thường ngày điềm đạm là thế nhưng dễ dàng nổi cáu khi bị người khác phá hỏng nhịp độ làm việc và dễ bị căng thẳng mỗi khi hạn giao sản phẩm tới gần. Tóm lại, khuyết điểm của anh nhiều không kể xiết.

    Do tính cách trái ngược, hai vợ chồng thường xuyên cãi vã đủ chuyện lớn nhỏ. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục chung sống. Không hẳn vì cả hai biết tiết chế nhường nhịn để vượt qua khác biệt tính cách, nói thẳng ra, quan hệ của họ không đổ vỡ có lẽ chỉ do "cái duyên cái số nó vồ lấy nhau".

    Một ngày nọ, chị vợ đột nhiên bảo muốn nuôi chó. Ngay từ cái nhìn đầu tiên ở tiệm thú kiểng con cún Lạp xưởng nhỏ (Miniature Dachshund: chó săn nhỏ, mình dài chân ngắn tai to rủ) của Anh với bộ lông màu kem đã "đốn gục" tim chị. Anh chồng lo nhịp sống gia đình bị xáo trộn nhưng rốt cuộc vẫn miễn cưỡng đồng ý. Sang tuần, hai vợ chồng chào đón thành viên mới về nhà. Họ ngắm hoài không chán con cún đeo vòng cổ đỏ gặm quả bóng cao su hình quả trứng. Và cứ như bố mẹ của nó, cả hai mải mê kể cho nhau nghe hôm nay con mình lớn thêm thế nào, đang dắt nó đi dạo thì gặp phải sự cố nhỏ ra sao, và cả vẻ say ngủ vô tư đáng yêu nữa.

    Sang năm thứ sáu của cuộc hôn nhân, chị vợ mang thai.

    Anh chồng chụp bụng bầu lớn dần từng ngày của vợ để theo dõi tình hình thai nhi. Bác sĩ khoa sản cho hai vợ chồng xem ảnh siêu âm. Nằm gọn trong khung hình chóp cụt đen trắng là cái đầu to to và cơ thể nho nhỏ của thai nhi. Giữa hai chân là bằng chứng cho thấy đây là bé trai. Ngực anh chồng đập rộn lên khi quan sát từng nhịp tim khe khẽ của con. Liệu mình có thể cho đứa bé sắp chào đời này một cuộc sống ấm no đủ đầy không, anh trăn trở. Nhưng bụng chị vợ càng lúc càng to, làm anh chẳng còn thời gian u uất nghĩ ngợi vẩn vơ.

    Chị vợ xin nghỉ thai sản theo đúng dự tính, gấp rút chuẩn bị cho việc sinh nở. Cơn đau đẻ tới sớm hơn một tuần. Mẹ chị lên thành phố đỡ đần như đã hứa. Để kích thích chuyển dạ, theo lời dặn của hộ sinh, chiều tối anh chồng đưa vợ ra dạo bộ ở công viên. Chị vợ vừa đi vừa hít thở sâu. Bảy tiếng rưỡi sau, chị tự chụp ảnh mình với đứa bé đỏ hỏn vừa cất tiếng khóc chào đời. Hoàn thành cuộc vượn cạn, trông chị tươi tỉnh hẳn lên. Ở bên dõi theo con gái sinh nở thành công, như một lữ khách vừa kết thúc hành trình dài đầy gian khó, mẹ chị khẽ nói. "Vậy là con cũng làm mẹ rồi!".

    Sau khi cùng vợ trải qua quá trình sinh nở vất vả, anh chồng vẫn còn một việc quan trọng phải làm, đó là đặt tên cho con. Anh khoanh tay rên rỉ. Mất bao cái tên hay chuẩn bị sẵn sàng giờ đều thấy không phù hợp với gương mặt em bé. Phải cân nhắc lại từ đầu rồi. Trong khoảng thời gian thăm non ngắn ngủi, anh bàn bạc với vợ, cuối cùng nghĩ ra được một cái tên.

    "Kun."

    "Cái tên nghe dễ thương anh nhỉ, lại hiếm gặp nên mọi người nghe xong sẽ không tài nào quên nổi." Chị vợ tán thành, đoạn quay sang gọi em bé. "Bé Kun."

    Anh chồng viết lên tờ giấy thư pháp, "Tên khai sinh: Kun."

    Trong album gia đình còn lưu ảnh bé Kun hồi một tuổi tươi cười đứng bên bố mẹ. Rồi ảnh hồi hai tuổi ngồi trong lòng ông cố khi cả nhà về quê thăm bà cố nằm viện. Đứa bé trong cả hai ảnh chỉ là một, nhưng xét ra vẫn không giống nhau. Trẻ sơ sinh vụt một cái thành trẻ bú sữa, vụt cái nữa thành trẻ ăn dặm. Tuổi ăn dặm chia ra vô số giai đoạn, đến tuổi ăn cơm lại chia ra vô số giai đoạn nữa. Trẻ con thay đổi cực kỳ đa dạng, khó mà khái quát chỉ bằng hai chữ "trẻ con".

    Bố mẹ nào cũng muốn dõi theo và khắc ghi quá trình con khôn lớn, nhưng ai nấy còn phải gồng sức chống chọi với cuộc sống thường nhật. Họ quên nhanh một cách sửng sốt, quên dễ một cách khó tin hình dáng con mình của quá khứ. Bởi họ còn phải lo cho "hiện tại" cũng như "tương lai" của con.

    Nghĩ đến một mai con lớn, hai vợ chồng quyết định xây lại nhà. Anh chồng đảm nhận việc thiết kế. Giàn giáo dựng lên quanh nếp nhà nhỏ với mảnh vườn bé trồng cái cây con. Họ nhờ giám sát thi công chụp hộ tấm ảnh giống mùa hè năm nào.

    Trong ảnh có bố, mẹ, con chó Lạp xưởng và cậu bé ba tuổi.

    Bấy giờ cậu còn chưa biết ...

    Trong bụng mẹ đang ươm mầm một sinh linh mới.


NGÀY EM BÉ TỚI


    Những đám mây trắng chực đổ tuyết đang che phủ bầu trời thành phố Yokohama. Khách sạn Yokohama Prince trên đồi đã bị phá dỡ từ lâu, thay vào đó là dãy chung cư mọc lên san sát. Tàu chạy tuyến Negishi đã đổi từ E209 thành E233, đường ray cũng đổi từ loại tiêu chuẩn sang loại dài (loại tiêu chuẩn là mỗi thanh ray dài 25m. Loại dài là mỗi thanh ray dài trên 200m), tàu chạy qua không còn nghe tiếng lạch cạch quen thuộc. Mọi thứ thay đổi từng chút từng chút một, âm thầm lặng lẽ, không dễ nhận ra.

    Nếp nhà nhỏ với mảnh vườn bé trồng cây con đã được sửa sang lại. Mảnh vườn nhỏ giờ kẹp giữa nhà chính và nhà phụ biệt lập, tức là vườn nằm trước nhà khi xưa giờ lại thành vườn giữa nhà dù vị trí không đổi. Mái ngói cam được tận dụng để lợp cho nhà mới. Nhìn từ trên cao, có thể thấy rõ cái cây con ở mảnh vườn có mái nhà viền quanh.

    Trong một ngày tháng Mười hai lạnh giá ngay trước thềm Giáng sinh, một cậu bé rướn người nhìn ra ngoài từ cửa sổ phòng trẻ. Cậu vừa từ trường mẫu giáo về, chưa tháo cả biển tên, đang đứng nhón chân hết cỡ trên chiếc bục nhỏ. Biển tên ghi "Ota Kun" bằng cả chữ Hán và chữ Hiragana (Bảng chữ cái dễ đọc của tiếng nhật).

    Tường phòng trẻ dán đầy tranh Kun vẽ ở trường cùng ảnh cậu từ thuở mới sinh tới giờ. Ảnh nào cũng tươi cười rạng rỡ bên bố mẹ. Có cả ảnh sinh nhật cậu hồi tháng Chín. Cậu mới lên bốn cách đầy hai tháng rưỡi. Trên sàn là tàu điện đồ chơi và đường ray nhựa đang lắp dở cậu mới được tặng.

    Kun ngó qua cửa kính, dõi theo từng chiếc ô tô đi ngang qua. Cậu chờ chiếc Volvo 240 màu đỏ của bố mà mãi chẳng thấy đâu. Hơi thở trắng xóa phủ mờ mặt kính chắn mất tầm nhìn. Mỗi lần như thế cậu lại lấy lòng bàn tay lau đi. Cậu áp trán lên kính cửa sổ, hơi thở ấm áp phả ra từ mũi lập tức làm mờ kính. Ủa sao vậy nhỉ? Cậu đưa tay lau.

    ".... Mãi mà bố mẹ chưa về."

    Kun thở dài, lớp kính lại mờ đi. Một chiếc Toyota Prius chạy vụt qua con đường bên ngoài, kéo theo âm thanh sắc lạnh.

    Bà ngoại từ phòng khách bước xuống, vừa đi vừa nghe điện thoại. "Vậy hả? Tốt rồi...."

    Trên nóc kệ thấp có bày một cây thông Noel nhỏ, bên cạnh là lịch mùa Vọng (Lịch đặc biệt để đếm đến Giáng sinh, thường bắt đầu từ ngày 1-24/12 Dương lịch. Hình thức là một tấm bảng chữ nhật với các ô cửa sổ tương ứng với từng ngày, có đánh số nhưng sắp đặt không theo thứ tự) với các ô cửa sổ đã mở tới ngày 22. Bà ngoại kéo cửa kính phòng ăn, xỏ dép rồi băng qua vườn.

    "Ừ. Mẹ và bé Kun mong các con lắm. Rồi ... Đi đường cẩn thận nhé." Bà ngắt máy, mở cửa kính phòng trẻ. "Kun à, mẹ sắp về rồi."

    "Thật ạ?" Kun đang đứng trên bục, nghe vậy thì mừng rỡ, mắt sáng bừng.

    Bà ngoại ngồi xuống ngang tầm mắt cậu. "Thật đấy. Kun mong bố mẹ về lắm hả?"

    "Mong lắm ạ." Kun dang tay nhảy ào khỏi bục, chống tay xuống sàn. "Gâu!" Cậu giả chó sủa ầm lên. "Gâu, gâu! Gâu! Gâu, gâu! Gâu!" Cậu bò quanh bà, đá tung tàu điện và đường ray, không nén nổi vui sướng khi mẹ sắp về.


Còn tiếp ~~~

   

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét